Chúng tôi không có tham vọng bàn về toàn bộ tư tưởng yêu nước của Hồ Chủ tịch mà chỉ giới hạn ở cách nhìn của Người về kẻ thù của cách mạng Việt Nam trong thời gian Người sống và học tập ở Huế. Chúng tôi nghĩ đây cũng là một vấn đề cần phải tìm hiểu, bởi vì việc xác định đối tượng cách mạng là tiền đề của hành động cách mạng và nó còn quyết định hướng đi tìm đường cứu nước của Người, mà việc xác định hướng đi đúng cũng có ý nghĩa trong việc tìm ra con đường cứu nước đúng đắn. Ngoài ra việc tìm hiểu sự hình thành bước đầu quan điểm phản đế phản phong ở Hồ Chủ tịch thời kỳ ở Huế còn góp phần chứng minh thành phố Huế là nơi bắt đầu nảy sinh những suy nghĩ muốn ra đi tìm đường cứu nước của Hồ Chủ tịch.
Trước tình hình tư liệu hiếm hoi, chúng tôi cố gắng vận dụng tất cả mọi nguồn tư liệu, đặc biệt cố gắng khai thác tất cả các bài viết, các phát biểu và các đoạn trích có tính chất hồi ức của Hồ Chủ tịch được Người viết ra trong thời gian ở nước ngoài. Mặc dù nguồn tư liệu này không phản ánh đúng hoàn toàn nhận thức của Người khi còn ở trong nước (bởi vì nó là nhận thức sau khi được tiếp xúc với chủ nghĩa Mác - Lênin và nghiên cứu tình hình thế giới) song nó là nguồn tư liệu rất quý và đáng tin cậy. Bởi vì cho đến ngày ra đi tìm đường cứu nước thì Huế là nơi Hồ Chủ tịch sống lâu nhất, những năm trưởng thành của Người và đó là những năm phong trào yêu nước Việt Nam diễn ra nhiều sự kiện trọng đại (1). Là một thanh niên ham hiểu biết, thích suy nghĩ, những sự kiện đó không thể không tác động đến tầm nhìn và tầm suy nghĩ của Người. Hơn nữa không chỉ là người quan sát mà còn là người tham gia hoạt động thì điều đó có thể khẳng định được là những sự kiện đó đã tác động sâu sắc và bền vững ở Hồ Chủ tịch. Cho nên có thể xem những gì Hồ Chủ tịch quan sát, suy nghĩ được trong thời kỳ ở Huế là một trong những cơ sở tư liệu để Người phê phán, lên án chủ nghĩa đế quốc nói chung và chủ nghĩa thực dân Pháp nói riêng. Và ngược lại từ những phê phán, lên án đó cũng cho phép chúng ta hiểu được phần nào những nhận thức của Người về kẻ thù của cách mạng Việt Nam khi Người còn là một học sinh của Huế.
Trong thời gian sống và học tập ở Huế, Hồ Chủ tịch (lúc này tên gọi là Nguyễn Sinh Cung (Côn), Nguyễn Tất Thành) đã chứng kiến các cảnh tượng diễn ra hàng ngày của chế độ thực dân nửa phong kiến điển hình. Bên kia sông Hương, đối diện với kinh thành của triều đình nhà Nguyễn, là khu vực hành chính của thực dân Pháp với Toà Khâm sứ Trung kỳ và toà Công sứ tỉnh Thừa Thiên. Sự hiện diện của triều đình phong kiến nhà Nguyễn chỉ là một con rối dưới bàn tay của Toà Khâm sứ Trung kỳ. Viên Khâm sứ Trung kỳ không chỉ toàn quyền quyết định ngân sách, duyệt y mọi công việc của Hội đồng Thượng thư Nam triều, mà còn chủ toạ cả những cuộc họp của Tôn Nhân Phủ. Hàng tháng, các quan lại Nam triều kể cả nhà vua, đều phải ngửa tay nhận lương của thực dân Pháp. Trong các công sở, trường học và ngay cả trên đường phố giữa ban ngày bọn quan chức và binh lính người Pháp luôn giở những trò bạo ngược và bỉ ổi đối với người Việt Nam. Chúng hành hạ tàn nhẫn những người không nộp đủ tô, thuế, những người đi phu làm đường. Đối lập với cảnh sống xa hoa, phè phỡn của bọn viên chức Pháp và quan lại Nam triều là cảnh chết chóc, ốm đau, đói khát của quần chúng nhân dân.
Nhờ sự mở rộng hiểu biết, cùng với óc quan sát, phê phán, Nguyễn Tất Thành sớm nhìn thấy bức màn dối trá đang bao trùm cảnh đế đô và toàn bộ đất nước. Thảm hoạ diệt vong của dân tộc đặt ra cho Người những suy nghĩ gay gắt về con đường cứu dân, cứu nước và lòng căm thù quân cướp nước và bọn tay sai bán nước. Hồi ức của những người đồng thời cho phép khẳng định điều này. Cụ Lê Thước, một người cùng quê, học trên Bác Hồ một lớp, kể rằng: Đường từ nhà ở của anh Côn đến trường phải qua cửa dinh Khâm sứ. Mặc dù hết sức cố tránh, nhưng hàng ngày những cảnh tượng về lối sống lố lăng, phè phỡn của bọn Tây đầm thực dân diễn ra trước cổng toà biệt thự ấy rất lộ liễu và khó chịu. Không chỉ dừng lại ở chỗ phê phán như một số bạn bè, Nguyễn Sinh Côn bảo: “Ta phải tìm xem cái gì đẻ ra lối sống ấy. Có phải cái đó cũng là căn do làm cho dân ta khổ” (2) . Cách đặt vấn đề như vậy là rất đúng, có thể nói đằng sau cách đặt vấn đề đó là bao nhiêu suy nghĩ, bao nhiêu trăn trở của anh học sinh Nguyễn Tất Thành.
Cụ Phạm Gia Cần, con trai cụ Phạm Khắc Doãn làm biên tu ở Quốc Sử quán Huế, học cùng lớp với Bác Hồ ở trường Pháp - Việt Đông Ba có kể rằng: Có lần cụ cùng Bác Hồ đi xem lăng tẩm của các vua triều Nguyễn ở Huế, Bác Hồ đã kể với cụ về tính nết và tội ác của mỗi vị vua triều Nguyễn. “Anh kể về Tự Đức và chuyện xây Vạn Niên Cơ của hắn ta. Qua lời anh, tôi tưởng như chính anh là người đã từng trộn vữa, khiêng đá để xây lăng. Anh bùi ngùi: “... Máu xương dân lính phải đổ ra vì lăng tẩm nhà vua khi đời sống dân mình đã xác xơ mà giặc ngoài thì giương sẵn nanh vuốt”. “Nhìn những lớp người vãn cảnh, đi lại, anh Côn nói với tôi: “Người ta đến không phải để xem các vua có được mồ yên mả đẹp hay không mà cốt để thưởng ngoạn cảnh có núi, có sông, thưởng ngoạn vẻ đẹp của thiên nhiên có sự góp sức của con người”. Như để kết thúc buổi đi chơi, anh Côn nói: “Anh biết không, người ta nói Huế là nơi “tang tóc mỉm cười, vui tươi thổn thức”. Lời mỉa mai dí dỏm này tưởng cũng không quá đáng khi Huế còn là nơi ngự trị của bọn đế vương, quý tộc cả người Pháp và người Việt” (3). Như vậy, đối với Nguyễn Tất Thành, kẻ thù của dân tộc Việt Nam không chỉ là thực dân Pháp mà cả bọn phong kiến tay sai. Có thể nói những nhận thức của anh Nguyễn Tất Thành lúc bấy giờ về sự câu kết giữa đế quốc và phong kiến, về vai trò bù nhìn của Hoàng đế Việt Nam, về ách áp bức của đế quốc và phong kiến đối với dân tộc Việt Nam là một trong những tiền đề của sự đả kích tên vua Khải Định sau này. Người viết trong “Thư gửi Khải Định”: “Ngài đã đến - hay nói cho đúng hơn là người ta đã đưa ngài đến, coi như một món hàng thuộc địa và có thể trưng bày ở Hội chợ (...). Được ăn ở sang trọng ở phố U - đi - nô, được ru êm ấm trong tay của điện hạ Xa - rô (...) như trên tay một người cha, thế mà ngài vẫn kêu là con nít. Nếu tất cả đồng bào của ngài - những người đã từng dấn thân trong bùn lầy, sương tuyết vào dưới làn mưa đạn trên chiến trường ở khắp nước Pháp (...) - nếu tất cả những người đó nói như ngài đã vội ch...uồn ngay, chớ chẳng chịu liều mạng (...) thì ngài có thể lấy đâu ra được để tỏ cái lòng trung quân dễ kiếm và lòng trung thành rẻ rúng để làm vừa ý cái ông chủ của ngài (... )?” (4)
Những điều mắt thấy tai nghe trong thời gian sống và học tập ở Huế cho phép Nguyễn Ái Quốc đã dẫn chứng một cách cụ thể, chi tiết khi lên án chủ nghĩa đế quốc Pháp: “Khi làm đường hầm ở đèo Hải Vân, muốn cho công việc mau chóng, người ta đã đục cả hai đầu vào một lúc, hai đoạn đục hai đầu vào không ăn khớp với nhau, thành thử ra mỗi đoạn thành riêng biệt một đường hầm hoàn toàn. Hầm đục ngay giữa núi đá, thế mà người ta cứ phải xây thêm một lớp đá nữa ở ngoài, trát thật kỹ lưỡng làm hao tốn bao nhiêu của” (5).
Ở Huế, Người viết, “người ta có đắp đại lộ rộng 20m - thật ra là vô ích - chạy thẳng từ thành đến đàn Nam Giao. Con đường ấy mở qua hai làng và một nghĩa trang, khi làm phải phá hay di chuyển mất sáu ngàn ngôi mộ. Người ta chẳng chịu bồi thường hay giúp đỡ gì cho các gia đình có nhà bị phá, có cây phải chặt, có mồ mả phải quật lên” (6)
“Mùa hè năm 19.., Người viết trong lúc nạn đói kém đang làm cho miền Trung kỳ phải tiêu điều khổ sở, thì một vạn người Việt Nam bị lý trưởng làng họ bắt đi tập trung vét một cái lạch. Số dân đông đảo ấy, người ta không dùng hết mà vẫn cứ phải lìa xa đồng ruộng của mình hàng tháng giữa lúc hết sức cần thiết họ phải có mặt ở nhà”.(7)
Tuy nhiên nhận thức sâu sắc nhất của Nguyễn Sinh Côn là thuộc về lĩnh vực văn hoá, giáo dục. Đây là lĩnh vực mà Nguyễn Sinh Côn có đầy đủ thực tế và có quan hệ trực tiếp, sâu sắc. Nguyễn Sinh Côn đã có hai năm học ở trường Pháp - Việt Đông Ba và gần một năm ở trường Quốc học Huế. Nguyễn Sinh Côn là một trong số những người Việt Nam đầu tiên tiếp xúc với nền giáo dục Pháp - Việt. Có thể nói Nguyễn Sinh Côn đã hiểu sâu sắc chế độ thực dân nửa phong kiến thông qua chiêu bài “khai hoá văn minh”, thông qua cái gọi là “nhà trường Pháp - Việt”. Ngày nay có rất nhiều tư liệu để đánh đổ chiêu bài mị dân đó. Song cách đây hai phần ba thế kỷ, anh học sinh Nguyễn Tất Thành bằng quan sát và suy nghĩ, cũng đã nhận thức được vấn đề này.
Qua sự lên án chủ nghĩa đế quốc Pháp của Người trong những năm 1921 - 1926 cho phép chúng ta hiểu được điều đó. Người viết: “Nhân dân Đông Dương khẩn khoản đòi mở trường học vì trường học thiếu một cách nghiêm trọng. Mỗi năm, vào kỳ khai giảng, nhiều phụ huynh phải đi gõ cửa, chạy chọt mọi nơi thân thế, có khi chịu trả gấp đôi tiền nội trú, nhưng vẫn không tìm được chỗ cho con học. Và hàng ngàn trẻ em đành chịu cảnh ngu dốt vì nạn thiếu trường.
Tôi còn nhớ một người anh em họ tôi muốn được vào một trong những “thiên đàng trường học” kia, đã phải chạy chọt đủ kiểu, gửi hết đơn này đến đơn khác cho quan Khâm sứ, cho quan Công sứ, cho quan Đốc trường Quốc học và quan Đốc trường tiểu học. Tất nhiên chẳng ai thèm trả lời anh. Một hôm anh đánh bạo mang đơn đến xin quan đốc, một người Pháp, phụ trách cái trường mà tôi đã được đặc ân vào học trước đó ít lâu.
“Quan đốc” thấy anh cả gan như thế, nổi khùng quát tháo : “Ai cho phép mày đến đây?” rồi xé vụn lá đơn trước những cặp mắt ngơ ngác của cả lớp học” (8).
Về nội dung giáo dục, Nguyễn Ái Quốc viết: “Thực dân Pháp (lại) cố tâm huỷ bỏ Hán học mà chúng thấy là nguy hiểm cho sự thống trị của chúng, vì chúng biết rằng Hán học có thể đưa vào Việt Nam những tư tưởng tiến bộ của phương Tây thông qua Trung Quốc và Nhật Bản” (9)
Đặc biệt Nguyễn Ái Quốc vạch rõ âm mưu của thực dân Pháp trong việc “mở mang giáo dục” như sau: “Trường học lập ra không phải để giáo dục cho thanh niên Việt Nam một nền học vấn tốt đẹp và chân thực, mở mang trí tuệ và phát triển tư tưởng cho họ, mà trái lại cần làm cho họ đần độn thêm. Ngoài mục đích giáo dục để đào tạo tuỳ phái, thông ngôn và viên chức đủ số cần thiết phục vụ cho bọn xâm lược - người ta đã gieo rắc một nền giáo dục đồi bại, xảo trá và nguy hiểm hơn cả sự dốt nát nữa, vì một nền giáo dục như vậy chỉ làm hư hỏng mất tính nết của người đi học; chỉ dạy cho họ một nền “trung thực” giả dối, chỉ dạy cho họ biết sùng bái những kẻ mạnh hơn mình, dạy cho thanh niên yêu một Tổ quốc không phải là Tổ quốc của mình và đang áp bức mình. Nền giáo dục ấy dạy cho thanh niên khinh rẻ nguồn gốc dòng giống mình. Nó làm cho thanh thiếu niên trở nên ngu ngốc. Điều gì có thể rèn luyện được cho học sinh biết suy nghĩ, biết phân tích thì người ta không dạy ở nhà trường. Vấn đề nào có liên quan đến chính trị, xã hội và có thể làm cho người ta tỉnh ngộ đều bị bóp méo xuyên tạc đi. Có học lịch sử nước Pháp đi nữa thì người ta không hề đả động đến chương nói về cách mạng. Người ta cấm học sinh đọc tác phẩm của Huy-gô, Ru-xô và Mông - téc - xki - ơ. Nói tóm lại, trường học thật là tương xứng với chế độ đã khai sinh ra nó” (10).
Bên cạnh đó, chính sách đàn áp, khủng bố những người yêu nước của thực dân Pháp không thể không tác động đến nhận thức của Người lúc bấy giờ, không thể không gây lòng căm thù thực dân Pháp và bọn phong kiến tay sai ở Người. Một sự thật là nó đã thúc đẩy Người tham gia vào các phong trào yêu nước như tham gia phong trào Duy Tân, cải cách, tham gia phong trào chống thuế và nó còn thể hiện ở sự căm phẫn của Người khi lên án chủ nghĩa thực dân Pháp. Người viết: “Phan Đình Phùng, một vị quan to và là một vị văn thân danh tiếng, chống Pháp mười năm trời rồi chết trong rừng sâu. Ông chết rồi nhưng bọn Pháp vẫn chưa tha: người ta quật mộ ông lên, đốt xác và đem tro vứt đi. Người ta báo thù cả người đã nằm yên dưới mộ”.(11)
“Tống Duy Tân sau mười năm chiến đấu tuyệt vọng cũng bị bắt và bị chém. Thi thể của ông bị đem biêu ở phố” (12).
“Bọn Pháp không thể tiêu diệt được Hoàng Hoa Thám” (13) “không sao giết được ông bằng thuốc độc cũng không trừ được ông bằng cốt mìn, người ta đã đào mả cha mẹ ông, đem hài cốt vứt xuống sông”. (14)
Năm 1908, Người viết, “một cuộc bãi công của nông dân nổ ra trong toàn quốc, những người bãi công ở mỗi huyện tập hợp lại bắt một số bọn thu thuế chợ bỏ vào bao và ném xuống sông, bắt các quan lại ở huyện đưa lên tỉnh và trao trả lại cho chính quyền Pháp (...). Những người bãi công đòi một cách ôn hoà bọn Pháp phải rút những quan lại đó đi và phải giảm thuế điền thổ. Để biểu thị sự đoàn kết, mọi người bãi công đều cắt tóc ngắn(...) và gọi nhau là “anh em”. Cuộc bãi công kéo dài ba bốn ngày và cuối cùng bị đàn áp bằng nhiều cuộc chém giết đẫm máu(...). Tất cả những người cắt tóc ngắn đều bị bắt. Tất cả những người trí thức nào có đôi chút tiếng tăm đều bị đưa đi đày. Tất cả các trường tư thục đều bị đóng cửa và tất cả các sách báo yêu nước đều bị cấm. Tất cả những người lãnh đạo hoặc bị coi là lãnh đạo - khoảng 200 - đều bị chặt đầu” (15). “Ông nghè Trần Quý Cáp, một nhà nho thanh cao ai cũng mến phục(...) đã (...) “bị bắt trong khi còn dạy học, không xét hỏi gì cả, người ta đem chém ông hai mươi bốn giờ sau khi bị bắt. Chính phủ giết chết ông chưa đủ, còn hành hạ mãi không chịu giao trả thi hài ông cho gia đình” (16). “Như vậy chỉ vì họ là những văn thân danh tiếng, họ đã lập hội và diễn thuyết, họ đã ăn mặc âu phục và cắt tóc ngắn, họ đã công kích những việc phù phiếm, hô hào đồng bào của họ thương yêu nhau, và họ đã nói đến dân quyền mà những người Việt Nam ấy đã bị xử tử hình và bị đày đi biệt xứ” (17). “ Đôi khi họ tuyên án vắng mặt người bị cáo, những án khổ sai có khi cả án tử hình nữa, bị cáo không hề được bào chữa. Những người bản xứ bị buộc tội về chính trị nặng hay nhẹ, nói chung đều bị bắt, kết án và đem đi đày - chung thân hay 10 năm tùy đấy. Không cần điều tra xét xử gì cả.” (18)
Rõ ràng anh học sinh Nguyễn Tất Thành lúc bấy giờ đã căm thù thực dân Pháp rất sâu sắc. Không phải ngẫu nhiên mà sau khi tham gia biểu tình chống thuế trước toà Khâm sứ và bị thực dân Pháp đàn áp bằng gậy tre và roi mây, trên đường trở về Nguyễn Tất Thành đã chỉ tay vào các dinh quan lại Pháp và nói với các bạn bè của mình: “Dân mình khổ là vì bọn này đây” (19). Câu nói đó biểu lộ lòng căm thù sâu sắc của Bác đối với thực dân Pháp, đồng thời nói lên một suy nghĩ chín chắn, một ý thức trưởng thành, một quyết định dứt khoát, báo hiệu cho một bước ngoặt mới. Như sau này Người đã nói: “ Gia đình tôi là gia đình nhà nho. Nhưng thấy dân tộc ta bị áp bức bóc lột, tôi phải bỏ nhà ra đi làm cách mạng” (20). Cho nên dù bị đuổi học hay không đuổi học, đều có thể khẳng định là Nguyễn Tất Thành cũng không bao giờ chịu ngồi lâu trên ghế nhà trường đế quốc.
Những năm ngồi trên ghế trường Pháp - Việt Đông Ba và Quốc Học cùng với thực tế mâu thuẫn diễn ra hàng ngày trước mắt mình đã đủ để cho Người nhận thức về kẻ thù của dân tộc, về những mâu thuẫn giữa “thực chất” và “huyền thoại”, giữa những chiêu bài, khẩu hiệu và hành động thực tế của thực dân Pháp.
Đứng trước những phong trào yêu nước, mà như sau này Người viết: “Từ khi đế quốc Pháp xâm chiếm Việt Nam, trong nước luôn luôn có phong trào quốc gia” (21), với một con người luôn luôn suy nghĩ, cho nên những phong trào yêu nước đó đã “có ảnh hưởng sâu sắc đối với Người” (22), như sau này Người nói: “Tôi tôn kính tất cả những Tống Duy Tân (...). Cái chết của họ làm cho Tổ quốc họ sống lại, lòng can đảm của họ là bất diệt” (23) “Người thiếu niên ấy sớm hiểu biết và rất đau xót trước cảnh thống khổ của đồng bào” (24)
Và một điều cũng rất quan trọng là lúc bấy giờ Người đã băn khoăn, suy nghĩ, nhận xét, đánh giá về các phong trào yêu nước đó như sau này Người viết: “Trước 1905, đó là một sự hỗn hợp giữa chủ nghĩa phản đế, chống công giáo và Cần Vương” (25). Và như Trần Dân Tiên cho biết lúc bấy giờ Bác đã nhận xét con đường cứu nước của cụ Hoàng Hoa Thám “còn nặng cốt cách phong kiến”, Cụ Phan Bội Châu thì “khác gì đưa hổ cửa trước, rước beo cửa sau”, còn cụ Phan Chu Trinh thì “chẳng khác gì đến xin giặc rủ lòng thương” (26). Ở đây một mặt là do trực giác nhạy bén của một thiên tài, nhưng một mặt khác quan trọng hơn là do sự nhận thức đúng đắn đầy đủ về đối tượng của cách mạng Việt Nam mà Hồ Chủ tịch đã nhận ra những thiếu sót trong đường lối cứu nước của các cụ và nó đã thôi thúc Người đi tìm con đường khác mà con đường đó có thể được tìm thấy ở nước ngoài, ở phong trào cách mạng thế giới. Sau này có lần trả lời với một nhà báo Mỹ là Ana Lui Xtơrông, Người đã kể như sau: “Nhân dân Việt Nam trong đó có ông cụ thân sinh ra tôi, lúc này thường tự hỏi nhau ai là người sẽ giúp mình thoát khỏi ách thống trị của Pháp. Người này nghĩ là Nhật, người khác nghĩ là Anh, có người lại cho là Mỹ. Tôi thấy phải đi ra nước ngoài xem cho rõ. Sau khi xem xét họ làm ăn ra sao, tôi sẽ trở về giúp đồng bào tôi” (27)
Cho nên có thể nói rằng chính trên mảnh đất Huế này, Bác của chúng ta đã bắt đầu nảy sinh những suy nghĩ muốn ra đi tìm đường cứu nước. Nó là kết quả logic nảy sinh trên cơ sở lòng căm thù sâu sắc bọn đế quốc xâm lược và bọn phong kiến tay sai. Bởi vì đối với những người thiết tha yêu nước thì từ sự nhận thức về kẻ thù của dân tộc, đối tượng của cách mạng đến hành động cứu nước, hoạt động cách mạng chỉ có một bước.
Đầu năm 1909, Người rời Huế đi vào các tỉnh phía Nam, để rồi hai năm rưỡi sau, rời bến Nhà Rồng đi tìm đường cứu nước.
Ngày 14 tháng 4 năm 1984.
TS. Huỳnh Công Bá
Chú thích:
(1) Chỉ xét thời kỳ thứ 2 Bác Hồ ở Huế thì đây là thời kỳ diễn ra các phong trào Duy Tân, Đông Du, Đông Kinh Nghĩa Thục, Chống Thuế ở Trung Kỳ, vụ “Hà Thành đầu độc”, các hoạt động chiến đấu dũng cảm của nghĩa quân Đề Thám...
(2) Theo tài liệu của Chu Trọng Huyến
(3) Theo tài liệu của Chu Trọng Huyến.
(4) Hồ Chí Minh -Toàn tập. Tập I. NXB Sự thật, Hà Nội, 1980, tr.74-75.
(5) Hồ Chí Minh - Toàn tập. Tập 1. NXB Sự thật, Hà Nội, 1980, tr.426
(6) Hồ Chí Minh - Toàn tập. Tập 1. NXB Sự thật, Hà Nội, 1980, tr.114.
(7) Sách đã dẫn, tr.110.
(8) Hồ Chí Minh - Toàn tập. Tập 2. NXB Sự thật, Hà Nội, 1981, tr.115.
(9)Hồ Chí Minh - Toàn tập. Tập 2. NXB Sự thật, Hà Nội, 1981, tr.126.
(10)Hồ Chí Minh - Toàn tập. Tập 2. NXB Sự thật, Hà Nội, 1981, tr.126 - 127.
(11) Sách đã dẫn, tr. 88.
(12) Hồ Chí Minh - Toàn tập. Tập 2. NXB Sự thật, Hà Nội, 1981, tr. 88.
(13) Hồ Chí Minh - Toàn tập. Tập 3. NXB Sự thật, Hà Nội, 1983, tr.15.
(14) Hồ Chí Minh - Toàn tập. Tập 2. NXB Sự thật, Hà Nội, 1981, tr.88.
(15) Hồ Chí Minh -Toàn tập. Tập 3. NXB Sự thật, Hà Nội, 1983, tr.16-17.
(16) Hồ Chí Minh - Toàn tập. Tập 2. NXB Sự thật, Hà Nội, 1981, tr.88.
(17) Hồ Chí Minh - Toàn tập. Tập 2. NXB Sự thật, Hà Nội, 1981, tr.88.
(18) Hồ Chí Minh - Toàn tập. Tập 2. NXB Sự thật, Hà Nội, 1981, tr.144.
(19) Theo tài liệu của Ban Nghiên cứu lịch sử Đảng Nghệ - Tĩnh.
(20) Theo hồi ký của Nông Công Thương ( Phó Bí thư Tỉnh uỷ Lào Cai), in trong tập “ Bác Hồ ở Việt Bắc”. NXB Vệt Bắc, 1975, tr. 42.
(21) Hồ Chí Minh - Toàn tập. Tập 3. NXB Sự thật, Hà Nội, 1983, tr.15.
(22) BNCLSĐTƯ - Chủ Tịch Hồ Chí Minh tiểu sử và sự nghiệp. NXB Sự thật, Hà Nội, 1980,tr. 14.
(23) Trần Dân Tiên - Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch. NXB Văn học giải phóng, Sài Gòn, 1975, tr.19.
(24) Sách đã dẫn, tr. 8.
(25) Hồ Chí Minh Toàn tập. Tập 3, NXB Sự thật, Hà Nội, 1975, tr.15.
(26) Trần Dân Tiên - Sách đã dẫn, tr. 8.
(27)Dẫn theo tài liệu của Ban nghiên cứu lịch sử Đảng Nghệ Tĩnh.
Nguồn: Sách \"Âm Vang Thời Bác Hồ ở Huế\" - NXB Thuận Hóa - 2003