Thời gian mở cửa: Thứ ba - Chủ nhật

Sáng: 08:00 - 11h30 Chiều: 13:00 - 17:00

Điện thoại: 0234.3845217 - 3822152

Địa chỉ: 07 Lê Lợi, Q.Thuận Hóa, TP.Huế

Một ít tài liệu liên quan đến sự kiện học sinh Nguyễn Sinh Cung tham gia phong trào “dân dậy” năm 1908 tại Huế
Đọc bài viết:
Sau ngày thống nhất đất nước 1975, tôi rất hân hạnh là một trong những người đầu tiên ở Thừa Thiên Huế, đã nghiên cứu sự kiện học sinh Nguyễn Sinh Cung (hay Sinh Côn, Sinh Côông), sau này là Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã tham gia cuộc “Dân dậy” vào tháng 4. 1908 ở Thừa Thiên Huế. Hơn 20 năm qua sự kiện ấy đã được nhiều người nghiên cứu tiếp tục, phát hiện thêm nhiều tư liệu nâng cao giá trị khoa học cho sự kiện đó. Để cho các nhà chuyên môn phục dựng lại chân dung đích thực của quãng đời niên thiếu của Bác Hồ, tôi xin cung cấp những tư liệu mà tôi đã sử dụng sau đây:

1. Tư liệu điền dã: Cuộc đấu tranh bắt đầu từ làng Giạ Lê Chánh.

Đầu năm Mậu Thân (1908) phong trào chống thuế ở các tỉnh phía Nam Huế bùng nổ, ngọn lửa kháng sưu chống thuế ở Thừa Thiên Huế âm ỉ bấy lâu có dịp bùng lên. Ông Lê Đình Hoàng em chú bác ruột của ông Lê Đình Mộng - lãnh tụ “cuộc dân dậy” năm 1908 cho biết.

“Tôi nghe kể: Lúc đó có một người tên là Khoá Nối nói giọng Hà Tĩnh theo chân ông Ấm Mộng (Lê Đình Mộng) về ở lại tại xóm giữa làng Giạ Lê với tư cách một người đi buôn quế. Ông loan truyền nhiều tin tức của dân Quảng Nam - Quảng Nghĩa chống thuế. Dân làng nghe tin này rất náo nức.”

Cùng lúc ấy, Châu bản triều Duy Tân cho biết cụ Hoàng Thông, Quản giáo trường Quốc Học và cũng là người đứng đầu Hội buôn Đồng Vinh bị bắt. Lao Thừa Phủ, lao Hộ Thành ngày nào cũng nhận thêm những nhà nho có thành tích chống thuế ở các tỉnh Trung kỳ vừa bị bắt. Những tin tức ấy không những không làm cho dân Thừa Thiên Huế khiếp sợ mà trái lại nó đã kích động không ít đến tinh thần tranh đấu của họ. Ai ai cũng xúc động khi hay tin cụ Phan Châu Trinh đang diễn thuyết ở trường Đông Kinh Nghĩa Thục (Hà Nội) thì bị Pháp bắt đưa đi về giam ở Hộ Thành (1). Cụ đã tuyệt thực bảy ngày để phản đối. Và cùng với tin ấy, bọn đề lao Thừa Phủ cũng không thể che giấu được tin cụ Châu Thơ Đồng một yếu nhân chống thuế ở Quảng Nam bị bắt đưa về giam ở Huế đã tuyệt thực phản đối bọn thực dân phong kiến đến chết.

Trong thời gian ấy thanh niên, học sinh Huế đi về chơi các vùng nông thôn ở hai bên bờ con sông đào ngăn cách giữa hai huyện Hương Thuỷ và Phú Vang rất đông, đặc biệt là các làng Giạ Lê Chánh, làng Công Lương. Rồi đột nhiên một buổi sáng đầu tháng 4 năm 1908, ở đình chợ Hôm và các am miếu dọc hai bờ sông đào vừa được nạo vét, đất bùn đã khô khén, xuất hiện nhiều tờ Thông tri giống như tờ Thông tri do ông Khoá Nối viết phổ biến ở Hà Tĩnh như sau:

“Đáng yêu thay dân Quảng Nam

Đáng kính thay dân Quảng Nam

Đáng học thay dân Quảng Nam

Giặc Pháp mượn tiếng bảo hộ, ngược đãi dân ta thật dã quá lành, bụng không được ăn cơm no, đi nơi khác tìm ăn khổ hết chỗ nói. Nếu không một phen đứng dậy tỏ tình kêu nài thì sưu thuế vẫn còn tăng mãi. Dân ta mười nhà đã đến chín nhà rỗng không, khó lòng gánh chịu được.

Nếu cứ ngồi mà đợi, chết. Chi bằng vùng dậy mà tìm lối sống.”

Nội dung tờ Thông tri đã kích động tinh thần dân làng Giạ Lê và các làng chung quanh. Khí thế kêu gọi đấu tranh lan truyền đi khắp nơi.

Được tin đó thực dân Pháp một mặt ra lời hăm doạ, mặt khác chúng cử Phủ doãn Thừa Thiên là Trần Trạm (một người nổi tiếng thanh liêm, trong sạch, được lòng dân) đi hiểu dụ dân chúng, khuyên dân chúng không nên bắt chước dân hạt Quảng Nam nổi dậy, nếu dân không nghe lời sẽ bị trị tội nặng. Đi sau ông Phủ Doãn là đoàn tuỳ tùng gồm một đội lính khố xanh do Phó quản Trần Phán chỉ huy và Bùi Hữu Chí (Tri huyện Phú Vang).

Sáng 10 tháng 4 năm 1908, đoàn tuỳ tùng của cụ Trần Trạm đi thẳng về chợ Sam rồi quay lên Giạ Lê, Công Lương. Bọn Trần Phán đứng trên đò quát tháo những viên chức trong phủ Công Lương (2):

“Quan về sao không có ai ra đón?”

Một người đại diện cho dân chúng có mặt ở hai bên bờ sông ra hỏi:

“Lúc ni mà quan binh đi mô rứa?”

“Phủ doãn và quan binh đi hành hạt, sao không ra đón tiếp mà hỏi chi lạ rứa, không sợ phạm thượng à?”

“Dân đói kém đang định kéo nhau lên huyện, lên Phủ xin xâu, xin thuế, dân đâu có ở nhà mà quan binh đi hành hạt”

“Ai cho phép dân đi?”

“Cái bụng đói bắt đi”

Cuộc đối đáp chưa dứt thì bỗng có nhiều nông dân, thanh niên trong các làng kéo đến ngày càng đông. Các cụ xưa đã từng kể cho dân hai làng Giạ Lê Chánh và Công Lương hay lúc ấy có một người học trò Nghệ, mặc quần áo trắng, dáng người cao cao, đôi mắt lanh lợi, đứng trên bờ, nghe đối đáp tức quá bèn lượm một hòn đất khô ném vào đoàn quan binh do Trần Phán cầm đầu. Trần Phán và Bùi Hữu Chí ra lệnh đàn áp. Súng nổ đùng đùng, roi da đập bôm bốp nhưng dân chúng không hề nao núng. Sẵn đất vừa đào hói còn phơi trên bờ, dân chúng nhặt ném vào bọn quan binh Trần Phán, Bùi Hữu Chí như mưa. Bọn địch giạt ra, dân được thế ùa xuống nước bắt trói và nhận nước tên Trần Phán. Bùi Hữu Chí bị trói ngoe phơi trên đò. Dân chúng cũng a vào định bắt trói ông Trần Trạm, nhưng có người lại ra lệnh tha, chỉ bắt ông bỏ vào thúng chuẩn bị gánh trả ông lại cho dinh Phủ Doãn. Vừa lúc đó tri huyện Hương Thuỷ chạy lên cứu đồng bọn thì bị ông Đoàn Thuần (người Dương Nỗ) đốc thúc dân đến bắt và trói ngay.

Trước mũi súng đàn áp tàn bạo của bọn quan binh thực dân phong kiến nhiều người dân Công Lương, Giạ Lê bị thương, riêng ông Nguyễn Cưỡng (Công Lương) thì chết ngay tại chỗ. Dân chúng bẻ lá thầu đâu ướp xác ông Cưỡng cho tươi để gánh đi đấu tranh

Tin dân làng Giạ Lê, Công Lương bắt trói tên Phó Quản và bọn quan lại phủ huyện đi hiểu dụ lừa phỉnh dân chúng lan đi rất nhanh và đã làm nức lòng nông dân ngoại thành Huế. Như đã hẹn trước, rạng sáng ngày 11 tháng 4 năm 1908, dân chúng ngoại thành chia thành từng nhóm nhỏ kéo vào Huế. Đoàn xin xâu thuế gánh ông Trần Trạm trong thúng và xác ông Nguyễn Cưỡng trong cáng tiến về phía Toà Khâm và Phủ Doãn Thừa Thiên. Đoàn người có những nét rất đặc biệt: tóc cắt ngắn, áo quần rách rưới, mang bị gậy như người đi xin, mo cơm bới bên hông. Có người mang cả nồi niêu và một manh chiếu rách.

Lúc đoàn người đã đến gần Toà Khâm (khuôn viên Đại học Sư phạm ngày nay) thì phía trên ở gần trường Quốc Học có một nhóm học sinh từ dưới chợ Cống đi lên đang đứng nghe học sinh Nguyễn Sinh Cung nói chuyện. Anh Cung nói với các bạn học của anh rằng:

“Đồng bào người ta đi xin xâu xin thuế với Pháp, bọn mình là học sinh biết tiếng Tây nên đi thông ngôn giúp đồng bào!” “- Vừa nói anh Cung vừa cầm vai các bạn quay lại phía Toà Khâm “nào chúng ta cùng về Toà Khâm nào!””.

Đám học trò thấy dân đi đông nhưng chưa hiểu đầu đuôi câu chuyện ra sao, nghe anh Cung là người lớn tuổi, hiểu biết rộng và có uy tín với các thầy, nói, anh em nghe theo ngay. Đi được một lúc Cung bảo các bạn lấy nón lá lật ngược bề trong ra ngoài. Anh em sợ hư nón có vẻ do dự không làm. Cung tự tay làm trước và anh em làm theo ngay. Về sau họ mới hiểu làm như thế để chứng tỏ thái độ đấu tranh cho đến khi lật ngược được tình thế mới thôi.

Khoảng 10 giờ sáng đoàn người tụ tập đông đủ, họ bắt đầu tiến vào cửa Toà Khâm cùng với nhóm học sinh đi trước làm thông ngôn. Tên Hội Lý bộ Lại De la Susse xua lính khố xanh ùa ra ngăn không cho dòng người tiến vào. Anh Cung len vào trước để gặp bọn Pháp đưa nguyện vọng xin giảm thuế cho dân.

Cuộc đấu tranh ấy đã ghi sâu trong ký ức của  Chủ tịch Hồ Chí Minh sau này. Có lần Người đã kể lại với đồng chí Vũ Kỳ - thư ký riêng của Bác, và đồng chí Vũ Kỳ đã kể lại với cán bộ Bình Trị Thiên vào ngày 18.5.1978 như sau:

Bác nói với đồng chí Vũ Kỳ nguyên văn:

- “Mình tham gia với tư cách là một người thông ngôn. Khi đồng bào nói chưa đúng thì mình thêm vào cho đúng rồi chọi với Pháp. Khi bọn Pháp nói những gì làm cho uy thế của đồng bào kém đi thì mình thông ngôn lại để dấy lên tinh thần đấu tranh của đồng bào. Cứ thế mà đồng bào ùa lên làm cho bọn Pháp không thể nào ngăn chặn được!”.

Bọn Pháp giở mọi thủ đoạn ra lừa phỉnh đồng bào, nhưng nhờ những người thông ngôn dịch lại khôn khéo khiến cho họ tránh được mọi âm mưu cạm bẫy của Pháp. Càng về trưa, lời la ó phản đối càng tăng. Thấy dùng lời lẽ không giải tán được đám đông De la Susse xua lính khố xanh ra dùng roi mây, gậy tre, vòi nước đàn áp giải tán đồng bào. Anh Cung, người cao to lại phải đứng trước để thông ngôn nên anh bị đánh đập nhiều nhất.

Sau nhiều đợt chống cự, đồng bào phải rút ra khỏi khuôn viên toà Khâm, nhưng họ không chịu ra về. Đồng bào chạy lên bao vây Phủ doãn Thừa Thiên, ngồi đầy trên đường phố suốt mấy ngày liền làm cho xe cộ của Pháp không thể qua lại được trên cầu Tràng Tiền.

Bọn Pháp biết đồng bào và thanh niên rất tôn kính vua Duy Tân, chúng đưa vua Duy Tân ra phủ dụ đồng bào. Đồng bào chỉ nhường đường cho xe vua đi qua. Xe vua qua rồi đồng bào lại tràn ra đường. Nhà vua thấy dân rách rưới cực khổ rất xúc động. Ông không nói một điều gì. Cuối cùng Pháp phải đưa lính ở Đồn Mang Cá lên đàn áp một cách dữ dội mới giải tán được cuộc đấu tranh.            

Cuộc chống thuế này có một âm vang rất sâu xa. Mười lăm năm sau Đại tướng Võ Nguyên Giáp (lúc còn là một học sinh trung học) vào Huế vẫn còn nghe kể lại và Đại tướng đã ghi trong cuốn hồi ký “Những chặng đường lịch sử” như sau:

“Vào thời kỳ này (1908) phong trào đấu tranh ở Huế rất sôi nổi... Đồng bào các nơi kéo về Huế biểu tình suốt mấy ngày liền, đòi giảm thuế. Pháp đưa lính từ đồn Mang Cá lên xả súng bắn vào những người dân tay không. Nhiều người bị đẩy xuống sông. Máu đỏ loang trên cầu Trường Tiền”

Cuộc đấu tranh năm 1908 tại Thừa Thiên Huế rất mạnh mẽ song vì lãnh đạo thiếu kinh nghiệm, tính tổ chức thấp, quần chúng giác ngộ chưa đầy đủ nên cuối cùng tan rã. Lúc mật thám bắt những người chủ chốt thì quần chúng không đối phó được.

Ngoài những người bị đàn áp chết tại trận tiền hoặc bị thương phải lẩn trốn, hàng trăm người bị tội đồ (tù), đày đi Lao Bảo, Côn Lôn hay bị tử hình.

Trong Châu bản triều vua Duy Tân còn ghi lại một số người với tội trạng của họ như sau:

- Đoàn Thuần (Dương Nỗ - Phú Vang), Đào Đa (An Lưu, Phú Vang), Trương Hữu Hoàn (lý trưởng làng Công Lương)...bị tố cáo: “đều là bình dân, không biết an phận dám bắt chước hành vi của dân hạt Quảng Nam, tụ tập nhiều người gây thành náo động, tức như các việc bắt trói quan binh, toan cướp súng ống, thật là hồ hành khích biến... xử giảo giam hậu, phát giao Lao Bảo phối dịch”.

- Phạm Toản (Xuân Hoà - Hương Thuỷ), Nguyễn Mãnh (3) (Dạ lê - Hương Thuỷ) tội “xướng xuất quan binh... trảm lập quyết”

- Lê Đình Mộng (Dạ Lê - Hương Thuỷ) xử giảo giam hậu (nhưng sau được ân xá chỉ bị tù chung thân ở Côn Đảo).

- Nguyễn Trọng Quỳ (4) (Giạ Lê) 5 năm khổ sai; Phan Đạm (Diên Đại) tù 3 năm; Nguyễn Văn Chi (Xuân Hoà) giảo giam hậu; Nguyễn Cừ (Giạ Lê): xử trượng 100, đồ 3 năm; Trần Đức Thuần (Niêm Phò - Quảng Điền): giảo giam hậu. Khoá Nối (5) bị kết án vắng mặt: “cùng dân tỉnh Quảng Nam giao thông, tạo mưu khích biến, phải thám nã, cốt bắt cho được đáo án để dứt mầm ác” (6).

Bà Lê Thị Dần (người Thế Lại Thượng) đồng chí của cụ Phan Bội Châu cũng bị bắt trong khi đi liên lạc các tỉnh ở miền Trung.

Sau những ngày xuống đường tranh đấu đó, anh Nguyễn Sinh Cung cũng như nhiều anh em học sinh đã đóng vai trò chủ chốt trong việc thông ngôn giúp đồng bào (như Lê Đình Dương chẳng hạn) đã phải lẩn tránh trước sự truy nã gay gắt của mật thám Pháp. Không ai rõ anh Cung đã trốn tránh nơi đâu. Ông Lê Thanh Cảnh (7) nhớ anh trốn tại Ao Hồ (phường Phú Cát ngày nay); một nguồn tài liệu khác cho biết anh trốn ngay trong nhà một người quen sau lưng Phủ Doãn. Nhờ sự bất ngờ đó mà anh không bị bắt.

Nhận xét của người viết: Những thông tin do cụ Lê Thanh Cảnh cung cấp chúng tôi sẽ có nhận xét ở mục II ngay dưới đây. Những thông tin do ông Vũ Kỳ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp cung cấp, hiện hai vị đều còn sống, chúng tôi đã thẩm tra và được khẳng định là đúng. Riêng những thông tin do ông Lê Đình Hoàng và dân hai làng Giạ Lê Chánh và Công Lương phản ánh chúng tôi không có tài liệu để đối chiếu. Vì tất cả những người dân kể lại chuyện này đều không được mắt thấy tai nghe, chỉ biết qua các cụ cao niên kể lại. Do đó chỉ có giá trị tham khảo. Sở dĩ chúng tôi đưa vào diện tham khảo vì những cơ sở thực tế sau đây: Làng Giạ Lê có cụ Nguyễn Viết Song - người đã từng sang làng Dương Nỗ cùng ôn tập với cụ Nguyễn Sinh Sắc trước khi đi thi Hội. Khoa thi Hội năm Tân Sửu (1901), cụ Nguyễn Viết Song (đi thi lấy tên là Thông) đậu Tiến sĩ và cụ Nguyễn Sinh Sắc đỗ Phó Bảng (8). Cháu của cụ tiến sĩ Nguyễn Viết Song là Nguyễn Viết Nhuận cùng học một lớp với Nguyễn Sinh Cung tại trường Quốc Học. Phải chăng vì mối liên hệ đó mà Nguyễn Sinh Cung đã về làng Giạ Lê Chánh trong thời gian rục rịch chuyện nổi dậy chống sưu thuế năm 1908?

II. Tư liệu của người đồng thời: Cụ Lê Thanh Cảnh.

Cụ Lê Thanh Cảnh viết:

TRÒ CÔN NĂM 1908 - HỒ CHÍ MINH NĂM 1945

Đã nhắc nhủ đến cả thầy lẫn trò của Trường Quốc Học suốt thời gian (1906 - 1911) tôi không được phép quên nói lại đây bao nhiêu kỷ niệm về trò Côn, (Nguyễn Sinh Cung, Nguỵ Du Côn là tên riêng Cụ Phó Bảng Nguyễn Sinh Huy cố đặt cho trò Côn để đủ cương ngạnh chống lại chế độ thực dân Pháp mà gia đình cụ rất oán ghét).

Sau này trò Côn còn rất nhiều tên, tuy theo hoàn cảnh xã hội và tuỳ theo nơi trò sinh sống, nhưng tên Nguỵ Du Côn chỉ có trò và anh chị trò biết thôi, ít ai nói tới. Khi trò Côn mang tên Nguỵ Du Côn thì người anh ruột trò cũng có tên riêng ông cụ đặt cho là “Hổ”, nhưng về sau không nhớ là năm nào cả hai anh em được đổi ra: trò Hổ: Nguyễn Tất Đạt, còn trò Nguỵ Du Côn là Nguyễn Tất Thành.

Nhưng, năm 1908, tôi đậu bằng tiểu học được lên lớp Nhất trung học cùng ở trường Quốc Học thì có cả anh em Tất Đạt, Tất Thành vừa đậu bằng tiểu học tại trường Pháp - Việt Đông Ba cũng cùng vào theo dõi (sic) lớp nhất Trung học như tôi. Hai anh em ruột thịt, Đạt và Thành, tuy học một lớp, nhưng tính tình khác nhau, ít khi cùng nhau nói chuyện thân mật như các bạn khác. Trò Đạt thì nhã nhặn điềm đạm hơn trò Thành có tính khí ngông cuồng táo bạo. Nhưng về Hán học thì học trò Nghệ khi nào cũng trội hơn bọn chúng tôi là học trò Huế.

....

TRÒ CÔN CẦM ĐẦU MỘT NHÓM HỌC SINH QUỐC HỌC GIA NHẬP VÀO ĐÁM XIN XÂU Ở HUẾ

Năm 1908, các phong trào “cúp tóc”, “Duy tân”, “Hiệp thương”, “xin thuế’, lan tràn khắp các tỉnh miền Trung. Ở Thừa Thiên, dân chúng lục huyện kéo nhau lên Huế, ồ ạt chật đường, chật chợ, dân đâu cũng nói “xin xâu”, “xin thuế”.

Chúng tôi một nhóm học sinh ở chợ Cống: Hà Thúc Linh, Nguyễn Lương Bính, Lê Thanh Cảnh, Phan Văn Phúc, Bửu Bành đi đến trường Quốc Học thì thấy trò Côn hăng hái một mình (không có trò Hổ) đến khuyến rủ lôi kéo chúng  tôi, bảo: “Đồng bào người ta đi xin xâu, chúng mình phải đi theo ủng hộ họ để làm thông ngôn cho họ. Nào chúng ta đi xuống toà Khâm. Miệng nói tay trò Côn lấy nón chúng tôi lật ngược lên bề trong đội lên trời, tỏ vẻ chúng ta phản kháng quyết lật ngược tình trạng hiện tại. Chúng tôi chẳng hiểu múi mớ gì, nhưng nghe lời trò Côn rất hấp dẫn và thấy trò Côn lớn tuổi hăng say vì việc của đồng bào thì vui lòng theo ngay. Trò Côn đi trước kéo theo chúng tôi là toàn bọn biết rành tiếng Pháp, đồng bào thấy vậy lại kéo theo sau rất đông. Đến cửa Toà Khâm, chúng tôi bị ông De la Susse, Hộ Lý Bộ Lại lúc bấy giờ, đứng trước sân cùng rất đông lính khố xanh, ra đón lại không cho tiến vào, rồi rút thanh tre to tướng quất đại vào thân hình chúng tôi. Trò Côn hôm ấy, đi đầu là người cao lớn, lãnh đủ hơn ai hết. Bị đánh túi bụi, chúng tôi chạy tán loạn, trò Côn cũng biệt dạng, đồng bào thấy vậy cũng rút lui (9).

Nhận xét về phần tư liệu có liên quan đến cuộc chống thuế: Cụ Lê Thanh Cảnh là người làm việc lâu năm ở Toà Khâm sứ Pháp, cụ rất am hiểu về Huế. Tuy nhiên những vấn đề cần phải nghiên cứu mới hiểu đúng được, nếu cụ Lê Thanh Cảnh chưa có cơ hội nghiên cứu thì thông tin của cụ để lại không đáng tin cậy. Tuy nhiên cụ có một trí nhớ rất tốt, những gì có liên quan trực tiếp đến cụ, cụ nhớ rất rõ. Trước năm 1980, tôi đã đến xin gặp cụ ở cư xá Thanh Đa thành phố Hồ Chí Minh để xin cụ cung cấp thêm những điều chúng tôi muốn biết về mối quan hệ giữa cụ và Bác Hồ thời còn đi học ở Quốc Học. Cụ đã bảo: “Những gì tôi biết tôi đã viết trên đặc san Quốc Học và một phần ông Nguyễn Đình Hàm còn giữ. Anh nên hỏi ông Hàm. Anh có thể hỏi ông Lê Thiện, ông Trần Kinh... để biết thêm”. Tôi đã thực hiện lời khuyên bảo của cụ. Tôi đã gặp cụ Lê Thiện và giới thiệu với Bảo tàng Hồ Chí Minh tại Huế gặp cụ Lê Thiện trước khi cụ mất. Tôi cũng đã gặp thầy Nguyễn Đình Hàm và thầy đã cho tôi bản chính phần hồi ký của cụ Lê Thanh Cảnh gặp lại Bác Hồ ở Pháp năm 1922. Tài liệu này tôi đã tặng lại cho Nhà Bảo tàng Huế. Cho nên tôi có thể khẳng định phần nói về việc Bác Hồ giúp làm thông ngôn cho dân chống thuế ở Huế năm 1908 là có thể tin được.

III. Tư liệu của mật thám Pháp.

Sau năm 1980, Bảo tàng Hồ Chí Minh ở Huế có một văn bản của Mật thám Pháp nói về hạnh kiểm của hai anh em Nguyễn Tất Đạt, Nguyễn Tất Thành tại trường Quốc Học. Hai anh đã nói những điều chống Pháp khi có các cuộc đấu tranh của dân chúng Huế (10). Trong khi tìm tài liệu về Huế, chúng tôi đã có một bộ hồ sơ của mật thám Pháp thực hiện sau khi Nguyễn Ái Quốc tham gia thành lập Đảng cộng sản Pháp năm 1920. Bộ hồ sơ này gồm 16 tài liệu.

1. Thư của cụ Nguyễn Sinh Huy gửi cho Khâm sứ Trung kỳ tháng 1.1911.

2. Thư của cụ Nguyễn Sinh Huy gửi cho Khâm sứ Trung kỳ tháng 1.1911.

3. Bút phê của Sở Mật thám Trung kỳ 8.3.1911.

4. Công điện của Toà Khâm sứ Trung kỳ gửi Công sứ Nha Trang và Phan Thiết, 14.3.1911.

5. Thư của Khâm sứ Trung kỳ gửi quan Khâm sai Nam kỳ, 3.5.1911.

6. Đơn xin nhập học trường Thuộc địa, Marseille, 15.9.1911.

7. Thư của Nguyễn Tất Thành gửi Toà Khâm sứ Trung kỳ, Colombo - Sài Gòn 31.10.1911.

8. Thư của Khâm sứ Trung kỳ gửi Toàn quyền Đông Dương, 25.5.1912.

9. Thư của Nguyễn Tất Thành gửi Khâm sứ Trung kỳ, Nữu - Ước, 18.12.1912.

10. Thư của Khâm sứ Trung kỳ gửi Thống sứ Nam kỳ, 12.3.1913.

11. Mật văn của Thanh tra Mật thám Trung kỳ, 23.1.1920.

12. Công điện của Toàn quyền Đông Dương, 23.2.1920.

13. Lời khai báo của Lý trưởng làng Kim Liên, 13.2.1920.

14. Mật văn của Sở mật thám Trung kỳ về con người Nguyễn Tất Đạt, 28.4.1920.

15. Lời khai của Nguyễn Tất Đạt, 19.3.1920.

16. Văn thư của Sở Mật thám Trung kỳ về lời khai của Nguyễn Tất Đạt, 28.4.1920.

17. Lời khai của thân hào làng Kim Liên.

18. Trả lời chất vấn của bà Nguyễn Thị Thanh

19. lời khai báo của ông Bùi Quang Chiêu trước Sở Liêm phòng Sài Gòn.

20. Ghi chú của Sở Liêm phòng Sài Gòn về ông Nguyễn Sinh Huy, ngày 5.12.1923.

21. Ghi chú của Sở Mật thám Đông Dương về Nguyễn Sinh Huy, 2.5.1928.

Chúng tôi đã chuyển qua Việt ngữ và đã cung cấp cả bản sao nguyên bản và bản dịch cho Bảo tàng Hồ Chí Minh tại Huế.

Trong số 21 tài liệu ấy có 3 cái đề cập đến thông tin Bác Hồ là học sinh trường Quốc Học. Xin trích những đoạn có liên quan:

Tài liệu 13: “Tôi (lý trưởng làng Kim Liên) cũng biết hai đứa con trai của ông (Nguyễn Sinh Huy) học ở trường Quốc Học, Kham anh cả học lớp nhất hoặc năm đầu bậc trung học và Côn con thứ hai học năm thứ hai hay ba bậc trung học. Hai người này đã tỏ thái độ đối nghịch làm cho Hiệu trưởng của trường nhiều lần phải cảnh cáo”.

Nhận xét: Lý trưởng làng Kim Liên chỉ nghe hai người con cụ Nguyễn Sinh Sắc là học sinh Quốc Học cho nên đã nói sai về lớp học của hai người nầy. Dù sao tài liệu nầy cũng khẳng định Bác đã từng học Quốc Học.

Tài liệu 14: “Nguyễn Tất Thành thật sự đã ở Huế trong thời gian có biến loạn năm 1908 như đã nêu ở đoạn trích Hải - điện tín của khu vực ngày 29 tháng 12-1919 đã được đính kèm Mật văn số 17-SG ngày 7.1.1920 của Ngài.

Nhận xét: Lời khẳng định của mật thám Pháp. Dù không nói đích danh Nguyễn Tất Thành đã tham gia “cuộc biến loạn” năm 1908 tại Huế, nhưng lúc đó có mặt ở Huế. Đưa ra thông tin này chứng tỏ thực dân Pháp rất muốn kết án Nguyễn Tất Thành đã tham gia cuộc biến loạn nhưng vì chưa đủ bằng chứng nên không dám khẳng định.

Tài liệu 15: “Tôi (Nguyễn Tất Đạt) nhận trách nhiệm nuôi nó cho tiếp tục học ở trường Pháp Việt. Năm 1908, đỗ bằng tiểu học và được nhập học trường Quốc Học”.

Nhận xét: Lời khai của Nguyễn Tất Đạt với Pháp thêm một lần nữa khẳng định Bác Hồ từng học là học sinh trường Pháp - Việt Đông Ba và trường Quốc Học năm 1908 và những năm trước đó.

Qua những nhân chứng gián tiếp, những nhân chứng trực tiếp, tài liệu của triều Nguyễn, tài liệu của địch (mật thám Pháp) nêu trên ta có thể khẳng định:

1. Bác Hồ đã theo học tại trường Quốc Học năm 1908.

2. Bác đã tham gia cuộc “dân dậy” xin xâu, xin thuế năm 1908 với tư cách là người thông ngôn cho dân.

3. Bác đã bắt đầu cuộc đấu tranh yêu nước của mình từ sự kiện “dân dậy” tháng 04 năm 1908. Đây cũng là cuộc đấu tranh mở màn cho Việt Nam đấu tranh giải phóng dân tộc thế kỷ XX.     

                                                                                                                      Huế, tháng 12.1998.

                                                                                                           Tổng thuật của Nguyễn Đắc Xuân

Chú thích:

(1) Nơi xây dựng trường THPT Nguyễn Huệ trên đường Đinh Tiên Hoàng ngày nay.

(2) Phủ Công Lương thờ Phúc Long Công (Nguyễn Phúc Thăng) chú ruột vua Gia Long, thường gọi là phủ Phúc Long.

(3)Tức Khoá Mãnh, tên thật Nguyễn Xuân Hy, hiện ông còn một người cháu là Nguyễn Văn Phong ở Giạ Lê.

(4) Ông nội của chị Nguyễn Thị Hường - Bí thư chợ Đông Ba trước năm 1968.

(5) Tức ông Nguyễn Hằng Chi, sau đó bị bắt và bị giết ở Hà Tĩnh.

(6) Sau này ông bị bắt và bị giết ở Hà Tĩnh.

(7) Người học một lớp với Bác Hồ ở trường Quốc Học, sau này làm việc cho Pháp tại Toà Khâm sứ Huế. Những chi tiết liên quan đến Nguyễn Sinh Cung trong bài này rút từ Hồi ký của ông Lê Thanh Cảnh trong Đặc san Hoài niệm Quốc Học số 2.1970.

(8) Cao Xuân Dục “Quốc triều đăng khoa lục”, bản dịch của Lê Mạnh Liêu. Bộ QGGD Sài Gòn.1962, tr. 236 và tr. 240.

(9) Đặc san “Ái hữu Quốc Học”, tập 2, Huế 1970, tr.28 - 31.

(10) Sogny - Hồ sơ Mật thám tại Trung kỳ tờ số A 37801 Toà Khâm sứ Trung kỳ. C 2781 Huế ngày 12.11.1923.

Nguồn: Sách "Phong trào kháng thuế của nông dân miền Trung Việt Nam năm 1908 và sự tham gia đấu tranh của anh Nguyễn Tất Thành (Chủ tịch Hồ Chí Minh) tại Thừa Thiên Huế" - NXB Thuận Hóa - 2008 

Các bài khác
    << < 1 2 > >>