“Dân tộc ta, non sông đất nước ta đã sinh ra Hồ Chủ tịch- Người anh hùng giải phóng dân tộc vĩ đại và chính Người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta.”(Trích điếu văn của BCHTW Đảng do đồng chí Tổng bí thư Lê Duẩn đọc tại lễ truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh). Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh mãi mãi trường tồn đối với dân tộc Việt Nam. Người là niềm tự hào và là niềm tin tất thắng của mỗi con người Việt Nam. Cả cuộc đời của Người đã phấn đấu hy sinh tát cả cho độc lập, tự do của dân tộc và hạnh phúc của nhân dân. Suốt trọn cuộc đời Người “ Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành.”
Cùng với quê hương Nghệ An, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh cất tiếng khóc chào đời, Thừa Thiên Huế được xem như là quê hương thứ hai của Người. Mảnh đất Huế đã vinh dự và tự hào được đón Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng với gia đình của Người đến sống, học tập và lao động trong thời gian 10 năm trong hai giai đoạn: 1895-1901 và 1906-1909. Khi Người ở lứa tuổi từ 5 đến 11 tuổi, và từ 16 đến 19 tuổi, đó là lứa tuổi quan trọng trong quá trình hình thành và phát triển nhân cách của một con người. Chính nơi đây là mảnh đất đã góp phần nuôi dưỡng, hun đúc và bước đầu hình thành tư tưởng yêu nước, thương dân của Chủ tich Hồ Chí Minh, để từ đó Người quyết định đi ra nước ngoài tìm con đường “ cứu dân- cứu nước”. Vì thế, Huế không những là nơi in đậm dấu ấn tuổi trẻ của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nơi đọng lại những tình cảm sâu nặng, những ký ức nguyên vẹn thủa thiếu thời mà Huế còn là một thành tố quan trọng đối với sự hình thành con người vĩ đại Nguyễn Aí Quốc-Hồ Chí Minh. Trong suốt 30 năm bôn ba hải ngoại, tìm đường cứu nước- cứu dân, hay khi Tổ quốc đã giành được độc lập, tự do, Bác đã là chủ tịch nước, Người vẫn luôn nhắc đến Huế và dành cho Huế với một tình cảm yêu thương đặc biệt; cho đến giờ phút lâm chung, làn điệu dân ca Bác muốn nghe và mang theo về với cõi vĩnh hằng lại chính là một câu hò xứ Huế. Di sản mà Bác để lại cho Huế là tình yêu thương bao la, cùng hệ thống di tích lưu niệm về Người vô cùng quý giá mà Đảng bộ và nhân dân Thừa Thiên Huế luôn trân trọng giữ gìn, trùng tu tôn tạo và phát huy giá trị di sản của Người.
Lần đầu tiên Nguyễn Sinh Cung (tên gọi lúc bấy giờ của Chủ tịch Hồ Chí Minh) cùng gia đình đặt chân đến Huế vào năm 1895, lúc cậu Cung lên 5 tuổi. Cảnh đất khách quê người, chốn thị thành xa lạ.Từ cuộc sống đến sinh hoạt ở chốn kinh thành hoàn toàn xa lạ đối với gia đình Nguyễn Sinh Cung. Dưới con mắt thơ ngây của cậu bé Cung, thì Huế là một thế giới hoàn toàn khác hẳn với quê hương làng Hoàng Trù. Từ cảnh vật cho đến cách ăn mặc, những tòa nhà đồ sộ, những người Tây ngồi trên xe kéo, võng lọng, ngựa xe,...tất cả đều choáng ngợp, mới mẻ và những điều đó đã khêu gợi tính ham tìm hiểu của cậu Cung.
Trong thời gian sống ở trong ngôi nhà Thành nội (nay là di tích lưu niệm Bác Hồ tại 112 Mai Thúc Loan-thành phố Huế) từ năm 1895-1901, Cậu Cung đã sống trong tình yêu thương của gia đình và sự đùm bọc, hôm sớm có nhau của bà con lối phố. Cậu đã chứng kiến cuộc sống tuy với bao khó khăn vất vả nhưng rất đầm ấm hạnh phúc của gia đình: những nổi khó khăn của cha trong việc học hành, nổi vất vả của người mẹ ngày đêm bên khung cửi, tấm lòng dịu hiền của người mẹ rất mực thương yêu chồng, con, ăn ở nhân đức với mọi người. Cũng tại đây, cậu Cung đã được học những bài học đầu tiên về lòng yêu nước, về nổi đau của một dân tộc mất nước qua những lời cha kể hàng đêm như sự kiện thất thủ kinh đô ngày 5/7/1885. Đêm 4 rạng ngày 5/7/1885( tức là ngày 23 tháng 5 năm Ất Dậu), khi thực dân Pháp tấn công kinh thành Huế, lính Pháp đã trắng trợn cướp bóc và tàn sát vô cùng dã man rất nhiều người dân vô tội, từ đó về sau hàng năm người dân Huế lấy từ ngày 23 tháng 5 đến ngày 30 tháng 5 âm lịch làm ngày cúng cơm chung, gọi là ngày cúng cô hồn. Năm 1895, lúc cậu Cung vào Huê cũng chính là thời gian thực dân Pháp cho quy hoạch lại kinh thành Huế, người dân đã phát hiện tại khu vực ngã tư đường Lê Thánh Tôn và đường Mai Thúc Loan ngày nay tập trung hàng trăm bộ hài cốt của đồng bào bị vùi lấp nên quyên tiền xây dựng ở đây ngôi miếu Âm Hồn. Vào ngày 23 tháng 5 âm lịch hàng năm ở đây đều diễn ra lễ cúng tế. Những lần tham dự lễ cúng tế ở miếu Âm Hồn, nghe những bài văn tế bi ai, thống thiết, cảm thương cho đồng bào chiến sĩ đã hy sinh vì vận nước đã khắc sâu trong lòng Chủ tịch Hồ Chí Minh tình yêu quê hương đất nước, yêu dân và lòng căm thù giặc ngoại xâm.
Năm 1898, Nguyễn Sinh Cung theo cha và anh về sống ở làng Dương Nỗ thuộc xã Phú Dương, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa thiên Huế. lần đầu tiên cậu Cung được học chữ thánh hiền tại một ngôi nhà nhỏ ở làng Dương nỗ (nay là di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở làng Dương Nỗ thuộc xã Phú Dương, huyện phú Vang-Thừa Thiên Huế). Đây cũng chính là trường học đầu tiên của Chủ tịch Hồ Chí Minh, được người thầy cũng chính là người cha kính yêu của mình khai tâm bằng chữ nhân, chữ nghĩa, bắt đầu sự nghiệp học tập và tự học suốt đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thời gian sống ở làng Dương Nỗ hai năm (1898-1900), được học những bài học vỡ lòng, khai tâm cùng với bao trò chơi trẻ thơ, nô đùa trên sông Phổ Lợi, dưới mái đình Dương Nỗ, Am Bà; chứng kiến cuộc sống của người dân nơi đây, giúp Nguyên Sinh Cung thấu hiểu hơn về cuộc sống lao động vất vả, một nắng hai sương của người dân quê lam lũ, được sống trong sự bao bọc của tình làng nghĩa xóm đậm đà tình nghĩa thủy chung, tất cả đã thấm sâu vào tâm hồn của Nguyễn Sinh Cung, tạo nên cái nhìn mới, nhận thức mới về tình yêu thương, nhân ái bao la giữa con người với con người.
Tại ngôi nhà Thành nội, năm 1901, cậu Cung đã chịu một nổi đau và mất mát lớn nhất trong cuộc đời: Mẹ và em trai lần lượt qua đời. Giữa năm 1900, ông Sắc ( thân sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh) được triều đình cử đi coi thi ở Thanh Hóa, ông tạm biệt vợ hiền và con nhỏ, mang theo cậu cả Khiêm lên đương ra Thanh Hóa. Ông không ngờ rằng đó lại là cuộc chia ly của gia đình. Cuối năm 1900, bà Loan (thân mẫu của Chủ tịch Hồ Chí Minh) hạ sinh người con thứ tư. Sau khi sinh, bà lâm bệnh nặng. Cha và anh đi vắng trong lúc mẹ lâm bệnh nặng nên mọi việc trong nhà đè lên đôi vai nhỏ bé của cậu Cung. Cậu Cung phải vừa chăm mẹ vừa chăm em nhỏ. Trong hoàn cảnh khó khăn đó, gia đình cậu Cung đã nhận được sự giúp đỡ, cưu mang của bà con lối phố. Em thơ của cậu Cung đã vượt qua những cơn đói lòng bằng những bát cháo loãng hay những giọt sữa bú nhờ từ những bà mẹ nuôi con nhỏ ở quanh phố. Mặc dù được bà con lối phố giúp đỡ, cứu chữa tận tình nhưng do lao tâm lao lực, lại thêm bệnh hiểm nghèo nên bà Loan đã trút hơi thở cuối cùng vào ngày 22 tháng chạp năm Canh Tý ( tức ngày 10 tháng 2 năm 1901) khi tuổi đời vừa mới 33. Ngày Tết cận kề, cái tang lớn ập lên tuổi thơ của cậu Cung: mẹ mất, em còn thơ dại, một mình nơi đất khách quê người; tang mẹ chỉ biết trông cậy vào tình thương, sự giúp đỡ của bà con lối phố.
Mẹ mất, cha chưa về. Cậu Cung và em thơ phải trải qua những tháng ngày long đong vất vả trong căn nhà từ nay vĩnh viễn thiếu đi hơi ấm của người mẹ. Tiếng khóc xé lòng đòi mẹ, khát sữa của em thơ trong những ngày mẹ mất tại kinh đô Huế đã khắc sâu trong ký ức và trở thành vết đau không thể nào quên trong cuộc đời Nguyễn Aí Quốc- Hồ Chí Minh. Sau này, trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp ở Việt Bắc, trong lúc đang đánh máy chữ, bỗng nghe thấy tiếng trẻ con gào khóc, Người đã dừng tay và nói với đồng chí bảo vệ “Chú sang xem vì sao cháu bé khóc. Thủa bé Bác cũng có người em khóc thất thanh như thế”. Một thời gian sau, vì thiếu mẹ khát
sữa, lại đau ốm luôn, em thơ cũng qua đời. Chỉ trong thời gian ngắn, cậu Cung đã phải trải qua hai mất mát lớn trong cuộc đời và là nổi đau quá lớn so với sức lớn của bản thân Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc bấy giờ.
Trong những ngày tháng đau thương của tuổi thơ, gia đình Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhận được sự cưu mang, giúp đỡ của bà con xứ Huế với truyền thống tốt đẹp của dân tộc “Nhiễu điều phủ lấy giá gương, người trong một nước phải thương nhau cùng”. Nghĩa đồng bào sâu nặng đó chính là những giá trị đích thực để góp phần hình thành nên nhân cách đạo đức, chủ nghĩa nhân đạo và nhân văn Hồ Chí Minh. Để rồi sau này, mỗi lần nhắc đến Huế, trong lòng Bác thường in dấu một nổi niềm thương nhớ xa xăm. Trong tim Người Huế không chỉ là một phần của “Miền nam yêu quý luôn ở trong trái tim tôi” mà là quê hương, là tuổi thơ của Người.
Nguyễn Tất Thành theo cha và anh đến sống ở Huế lần thứ hai trong khoảng thời gian 1906-1909. Vào Huế lần này Nguyễn Tất Thành đã theo học ở trường tiểu học Pháp-Việt Đông Ba các năm học 1906-1907(lớp dự bị) và năm 1907-1908 (lớp sơ đẳng); học ở trường Quốc Học niên khóa 1908-1909 (lớp nhì). Những trường này do thực dân Pháp thành lập với mục đích đào tạo ra tầng lớp tay sai đắc lực phục vụ cho bộ máy thống trị của thực dân. Nhưng chính trong ngôi trường này, Nguyễn Tất Thành đã tiếp xúc những tư tưởng nhân văn, những thắng lợi của các cuộc cách mạng tư sản nổi tiếng như cách mạng tư sản Mỹ (1776), cách mạng tư sản Pháp (1789) và những văn minh của thế kỷ XX. Anh tiếp thu những tinh hoa của văn hóa Pháp qua các bài giảng của các thầy giáo, qua các sách báo tiến bộ, các tác phẩm Mongtexkio, Rutxô, Lương Khải Siêu và được học với các thầy giáo tâm huyêt, yêu nước, có ý thức giáo dục học sinh không quên tổ quốc giang sơn như thầy Hoàng Thông, Lê Văn Miến, Nguyễn Đình Hòe, tiếp xúc và hấp thu tư tưởng tiến bộ “Tự do-Bình đẳng-Bác ái”. Tất cả những gì Nguyễn Tất Thành được học, tiếp thu ở trường học hoàn toàn trái ngược những gì mà anh chứng kiến cuộc sống thực tiễn của người dân đã tác động đến nhận thức và suy nghĩ của anh thanh niên Nguyễn Tất Thành: Tại sao một nước Pháp với nền văn minh, văn hóa lâu đời, có cuộc cách mạng vĩ đại với khẩu hiệu đầy tính nhân văn “Tự do-Bình đẳng-Bác ái” như vậy mà lại đi bóc lột, đàn áp một dân tộc yếu hơn, nghèo hơn? Những yếu tố này đã tác động đến tư tưởng yêu nước của Nguyễn Tất thành, góp phần thôi thúc quyết tâm ra đi tìm đường cứu nước-cứu dân “Vào trạc tuổi 13, lần đầu tiên tôi nghe những từ Pháp“Tự do-Bình đẳng-Bác ái” thế là tôi muốn làm quen với nền văn minh Pháp, tìm hiểu xem những gì ẩn giấu đằng sau những từ
mỹ miều ấy. Vì thế tôi nảy ra ý muốn sang xem mẫu quốc ra sao và tôi tới Pari để học hỏi, cứu giúp đồng bào”.
Cũng trong thời gian này, Nguyễn Tất Thành chịu ảnh hưởng giáo dục từ người cha thân yêu của mình, Ông Sắc quan niệm “Quan trường thị nô lệ, trung chi nô lệ, hựu nô lệ”: có nghĩa là Làm quan là làm nô lệ trong đám người nô lệ, lại càng nô lệ hơn. Ông thường răn dạy các con: Đừng lấy phong cách nhà quan làm phong cách nhà ta. Ông Sắc luôn đặt việc giáo dục nhân cách , đạo đức , khơi sâu tấm làng ái quốc ái dân cho con. Với tầm nhìn xa trông rộng, ông hướng cho các con sang con đường Tây học, tìm hiểu những nền văn minh tiên tiến trên thế giới nên đã cho con vào học những mái trương Tây. Ở Huế, anh Nguyễn Tất Thành thường chứng kiến những cuộc đàm đạo giữa cha và các bạn bè cùng chí hướng bàn về thời cuộc, các phong trào đấu tranh cứu nước lúc bấy giờ, tạo bầu không khí ái quốc giúp cho anh Nguyễn Tất Thành tiếp xúc học hỏi kinh nghiệm, hiểu biết của các bậc tiền bối, hiểu được thời cuộc và sự day dứt trăn trở của các bậc cha chú trước cảnh nước mất nhà tan. Sau này có lần Chủ Tịch Hồ Chí Minh nhắc lại tâm trạng đó của các bậc sĩ phu yêu nước “Nhân dân Việt Nam, trong đó có ông cụ thân sinh ra tôi, lúc này thường tự hỏi nhau là ai người sẽ giúp mình thoát khỏi ách thống trị của pháp. Người này nghĩ là Nhật, người khác nghĩ là Anh, có người lại cho là Mỹ” (Ana Louise Strong: Ba lần nói chuyện với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Báo Nhân Dân, ngày 18-5-1965).
Trong thời gian Nguyễn Tất Thành học tập ở Huế cũng là lúc đất nước diễn ra nhiều biến động chính trị: Những nhà yêu nước Việt nam nhận thấy con đường cứu nước cũ không còn thích hợp nữa, do đó họ mạnh dạn đón nhận những luồng tư tưởng mới như tư tưởng của các nhà tư sản Trung Quốc: Lương Khải Siêu, Đàm Tự Đồng, Khang Hữu Vi được phản ánh qua những cuốn “Tân thư”, truyền bá tư tưởng Duy tân. Cùng với sách báo “Tân thư”, sự kiện Nhật bản thắng Nga hoàng mở ra con đường giải phóng mới cho những sĩ phu yêu nước Việt Nam đó là học tập Nhật bản, cầu viện Nhật bản giúp đỡ. Tiêu biểu cho phong trào này là Phan Bội Châu với phong trào Đông Du và Việt nam Quang Phục hội, Phan Chu Trinh với phong trào “Duy Tân”.
Những biến động đó đã tác động không nhỏ đến tới bầu không khí chính trị ở Huế, những tư tưởng cứu nước mới xuất hiên ở Huế đồng thời ở Huế cũng xuất hiện những nhà trí thức mới, họ được đào tạo Tây học, chứng kiến sự phát triển của phương Tây, họ chủ trương đất nước muốn phát triển đi lên thì phải biết tiếp thu những yếu tố tích cực, văn minh của thế giới như thầy giáo Lê Văn Miến, Nguyễn Đình Hòe, những thầy giáo đem tư tưởng tiến bộ truyền đạt cho học sinh, tạo lòng yêu nước, ý thức dân tộc của học
sinh. Tất cả những luồng tư tưởng đó tác động một cách tích cực vào tư tưởng, tình cảm của Nguyễn Tất Thành. Người suy nghĩ đến những luồng tư tưởng mới, tìm hiểu các phong trào yêu nước kể từ khi thực dân Pháp xâm lược. Mặc dù rất kính trọng các cụ Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Hoàng Hoa Thám,...nhưng người không tán thành vì thấy được ưu khuyết điểm của các con đường cứu nước đó, không đi theo các con đường mà các bậc tiền bối đã đi. Người nung nấu ý chí tìm con đường cứu nước đúng đắn để giải phóng dân tộc, muốn thế phải tìm hiểu kẻ thù của mình là ai.
Ở Huế, Nguyễn tất Thành đã chứng kiến cuộc sống khổ nhục của người dân nghèo dưới hai tầng áp bức, chứng kiến cảnh sống xa hoa, phe phỡn của thực dân Pháp và bè lũ tay sai trên máu, mồ hôi và nước mắt của người dân lao động. Hàng năm, thực dân Pháp tăng mức sưu mức thuê rất cao. Bởi vì chính sách thuể khóa quá nặng nề cùng với thiên nhiên, khí hậu khắc nghiệt, mất mùa thường xuyên, cuộc sống thì đói nghèo.Đó là nguyên nhân chính dẫn đến phong trào đấu tranh “Xin xâu”, “chống thuế” của nhân dân miền Trung. Phong trào phát triển rầm rộ nhất ở Quảng Nam sau đó lan nhanh ra các tỉnh miền Trung. Phong trào chống thuế ở Quảng Nam đã kích thích tinh thần căm uất của nhân dân Thừa Thiên Huế. Ngày 11/ 4/1908, hưởng ứng phong trào chống thuế của nhân dân miền Trung, nhân dân THừa Thiên Huế đã nổi dậy chống thuế, nông dân bao vây tòa Khâm sứ Trung Kỳ đưa đơn đòi giảm sưu cao thuế nặng. phong trào chống thuế có sức cuốn hút mạnh mẽ với mọi tầng lớp nhân dân Huế thời bấy giờ. Anh thanh niên Nguyễn Tất Thành lúc đó đang theo học ở trường tiểu học Pháp-Việt Đông Ba, đã cùng bạn bè tham gia vào đoàn biểu tình, đấu tranh giành quyền sống cho đồng bào mình. Anh tham gia vào phong trào với tư cách là phiên dịch. Đồng chí Vũ Kỳ, thư kí riêng của Bác bồi hồi kể lại: “Trong cuộc biểu tình chống thuế của nhân dân Thừa Thiên Huế năm 1908 Bác Hồ đã tham gia tích cực. Người nhận làm phiên dịch, nhưng phiên dịch của Người không thụ động.Khi đồng bào đưa yêu sách chưa đúng mức thì Người đưa vào cho đúng để chọi với Pháp. Khi Pháp nói gì làm giảm uy thế đồng bào kém đi thì Người nói thêm để dấy lên tinh thần đấu tranh của đồng bào”(Trong đoạn băng ghi âm nhân dịp kỷ niệm ngày sinh nhật Bác Hồ 19/5/1979). Đây là hành động yêu nước đầu tiên xuất phát từ nhận thức yêu nước của anh thanh niên Nguyễn Tất Thành và là bước ngoặc quan trọng trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, là sự chuyển biến từ nhận thức yêu nước đến hành động yêu nước, là sự chuyển biến về chất của quá trình hình thành tư tưởng yêu nước và quyết tâm ra đi tìm đường cứu nước của người thanh niên Nguyễn Tất Thành.
Khoảng thời gian 10 năm sống ở Huế tuy không quá dài so với cuộc đời 79 mùa xuân của Chủ tịch Hồ Chí Minh nhưng chính những năm tháng ấy, môi trường sống, không khí chính trị trên mảnh đất kinh đô, tình nghĩa đồng bào của con người Huế và nền văn hóa Huế đã có tác động sâu sắc đến sự hình thành nhân cách, đạo đức, tư tưởng của Người, góp phần hun đúc ý chí và quyết tâm ra đi tìm đường cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh như nhận định của của cố thủ tướng Phạm Văn Đồng, người học trò thân tín của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Thời gian ở Huế là thời gian Nguyễn Tất Thành lớn lên và bắt đầu đi học. Những năm tháng đó là thời gian cực kỳ quan trọng đối với sự hình thành con người Nguyễn Aí Quốc-Hồ Chí Minh”.