“Chủ tịch Hồ Chí Minh là người thầy vĩ đại của nhân dân Việt Nam và thế giới. Sự vĩ đại của Người đã vượt ra ngoài tầm thước của nhân loại”.
Với lòng ngưỡng mộ và biết ơn vô hạn công lao trời biển của Bác đối với Đảng ta, dân tộc ta, việc nghiên cứu thời niên thiếu Bác Hồ nói chung, Bác Hồ với Bình Trị Thiên nói riêng, đang được quan tâm chú ý của nhiều cơ quan và cán bộ nghiên cứu ở các khía cạnh khác nhau.
Nghiên cứu thời niên thiếu Bác Hồ ở Huế là một quá trình lần theo dấu vết lịch sử, lịch sử 90 năm qua cảnh vật biết bao biến đổi. Vì vậy, nghiên cứu tìm hiểu đạo đức, tác phong và sự nghiệp cách mạng cao cả của Bác đòi hỏi sự dày công tìm tòi nghiên cứu. Đặc biệt khi Người chưa trở thành vĩ nhân của thời đại chúng ta thì việc tìm tòi nghiên cứu lại càng khó hơn.
Thưa các đồng chí.
Như chúng ta đã biết, Chủ tịch Hồ Chí Minh chúng ta sinh ra trong một gia đình nhà nho nghèo, trên quê hương có truyền thống yêu nước. Truyền thống quê hương, gia đình, hoàn cảnh xã hội...là những điều kiện quan trọng góp phần hình thành tư tưởng yêu nước của Bác.
Trong phạm vi bài viết nhỏ này, chúng tôi chỉ bước đầu tìm hiểu một vài ảnh hưởng của xã hội và cụ Nguyễn Sinh Huy đến sự hình thành tư tưởng yêu nước của Bác ở Huế vào những năm đầu thế kỷ 20.
Kính thưa các đồng chí.
Khoảng năm 1906, cụ Nguyễn Sinh Huy thân sinh của Hồ Chủ tịch vào Huế lần thứ 2. Khác với những lần trước, lần này cụ vào nhậm chức Thừa biện Bộ Lễ (1). Để có điều kiện gần gũi, dạy bảo các con trong học tập, cụ Huy đưa anh Nguyễn Tất Đạt (anh của Bác Hồ) và Nguyễn Tất Thành (tên của Bác Hồ lúc còn nhỏ) theo mình.
Rời mảnh đất Nghệ Tĩnh - nơi có truyền thống yêu nước và hiếu học, cha con cụ Huy đến kinh đô Huế - nơi đang chứng kiến sự suy tàn và thối nát của giai cấp phong kiến Việt Nam. Chính trên mảnh đất cố đô này đang diễn ra cuộc đấu tranh gay gắt giữa các khuynh hướng: giữa cái cũ và cái mới, giữa “bạo động” và “cải lương” do các nhà nho học và các sĩ phu yêu nước như cụ Phan Bội Châu và Phan Chu Trinh khởi xướng.
Ngay từ đầu thế kỷ 20, tư tưởng duy tân, dân chủ của phương Tây đang được truyền bá sang Việt Nam do con đường sĩ phu du học yêu nước. Những “tân thư, tân văn” từ Trung quốc đã bắt đầu sang nước ta.
Một số người yêu nước Việt Nam cho rằng: Tự ta không đủ sức đánh đuổi được thực dân Pháp. Muốn đánh Pháp phải cầu viện ở nước ngoài. Vì vậy, đầu năm 1905, Phan Bội Châu, Tăng Bạt Hổ sang Nhật cầu viện mở đầu cho cuộc “Đông Du”. Hàng trăm thanh niên Việt Nam bí mật sang Nhật học nhiều ngành nghề. Từ Nhật cụ Phan đã gửi về nước nhiều “tân thư”, nhiều tác phẩm kêu gọi nhân dân Việt Nam làm cách mạng. Những bài thơ của cụ được bí mật truyền tụng trong nhân dân làm sôi động lòng người. Một số nhà nho yêu nước đang làm quan cho triều Nguyễn đã cáo quan không chịu hợp tác với giặc, về quê tham gia luận bàn việc nước. Đángchú ý là năm 1905, ông Phan Chu Trinh, bạn đồng khoa với cụ Huy đã bất hợp tác với giặc, treo ấn từ quan. Cụ đã đứng ra hô hào nhân dân hợp quần ái quốc, xây dựng dân quyền, và đã tổ chức các cuộc diễn thuyết công kích nền giáo dục thối nát của triều đình Huế. Sự chống đối nền giáo dục lúc này của các sĩ phu yêu nước tuy không có ý nghĩa cách mạng đáng kể nhưng đó cũng là một bằng chứng nói lên rằng tư tưởng duy tân đã và đang trên đà phát triển.
Những sách báo trong thời kỳ này như “Nam quốc giai sự”, “Nam quốc vĩ nhân”, “Quốc sư giáo khoa” hoặc một số sách báo khác đều thắm đượm tinh thần yêu nước, thúc giục mạnh mẽ thanh niên Việt Nam yêu nước sớm nhận thức được kẻ thù dân tộc để có một chí hướng mới.
Gia đình cụ Huy vào Huế giữa lúc quan niệm “cựu học” và “tân học” đang diễn ra sôi nổi trong tầng lớp nho học và các sĩ phu ở Thừa Thiên Huế. Nhiều người chủ trương duy trì Hán học, phản đối cho con cháu đi học chữ quốc ngữ và chữ Pháp. Nhưng có người hăng hái cho con đi học chữ Tây để tìm chỗ đứng trong bộ máy cai trị của thực dân Pháp. Vượt xa mọi quan niệm của các nhà nho học đương thời, cụ Huy đã xin cho con mình vào học trường tiểu học Pháp - Việt Đông Ba với suy nghĩ riêng của cụ: “Muốn đánh Tây thì phải hiểu Tây, muốn hiểu Tây thì phải học tiếng Tây”. Quan niệm và việc làm đúng đắn đó là điều kiện cần thiết để anh Nguyễn Tất Thành hiểu rõ hơn thực chất vấn đề “văn minh nước Pháp”.
Lần đầu tiên được chính thức vào học ở một tổ chức trường, anh Thành mang theo nhiều suy nghĩ mà trước đây ở quê nhà anh đã từng suy nghĩ: Muốn làm quen với nền văn minh Pháp, tìm xem đằng sau những từ tự do, bình đẳng, bác ái mà bọn thực dân Pháp tường rêu rao ở Việt Nam bao hàm những dụng ý gì. Vì vậy, những ngày đầu vào lớp, Thành học rất chăm chỉ. Ngoài thời gian học tập ở trường, anh còn tranh thủ học thêm ở các bạn cùng lớp. Do đó, tuy mới vào học lớp nhì trường tiểu học, nhưng trình độ hiểu biết về chữ Pháp của Thành hơn hẳn các bạn cùng lớp, vì lúc ở quê nhà anh Thành đã được cha cho theo học chữ Pháp với ông Nghè Nguyễn Viết Song người làng Xuân Liệu (2).
Nhận thấy sự tiến bộ của con, cụ Huy rất vui lòng và tin tưởng. Hằng ngày, cụ tìm cách kèm cặp, hướng dẫn, dạy bảo các con, nhất là lúc các con tự học. Những lúc rảnh rỗi, cụ đưa 2 anh em Đạt và Thành đi xem lăng tẩm, phong cảnh ở Huế và kể cho các con nghe sự tích của từng di tích lịch sử Huế. Thành chăm chú, và căm giận khi nghe cha kể đến sự tàn sát đẫm máu của thực dân Pháp đối với nhân dân cố đô khi chúng đánh cửa biển Thuận An rồi chiếm thành phố Huế ngày 23.5.1885. Và tội ác tày trời của các vua chúa Việt Nam trong việc bắt nhân dân ta xây thành đắp luỹ. Đặc biệt, sự trái ngược của cuộc sống hàng ngày diễn ra càng làm cho anh Thành thấy rõ hơn, xót xa và thông cảm hơn sự khốn cùng của người nông dân Việt Nam dưới hai tầng áp bức của thực dân và phong kiến.
Rõ ràng thực tại cuộc sống và những lời dạy bảo ân cần hàng ngày của cụ Huy càng khơi dậy trong tâm trí anh thanh niên Nguyễn Tất Thành ý chí đánh đuổi thực dân Pháp, giải phóng đồng bào.
Càng say sưa học tập, tìm hiểu thực tế cuộc sống, dần dần ý thức phản kháng trong Nguyễn Tất Thành đối với thực dân và phong kiến càng trở nên gay gắt. Hàng ngày, anh phải chứng kiến không biết bao nhiêu cảnh “ông quan, bà lớn” nghênh ngang, hách dịch, muốn làm gì thì làm. Chúng có thể đánh người Việt Nam bất cứ lúc nào mà không cần pháp luật. Dưới chính sách cai trị của thực dân Pháp, người dân Việt Nam “được” coi như những súc vật. Bên cạnh chính sách cai trị của Pháp, bộ máy quan lại trong triều đình Huế lúc này không còn một chút quyền hành, chỉ biết ăn chơi phè phỡn, trác táng và ngoan ngoãn làm tay sai đắc lực cho thực dân Pháp.
Trước hành động ngang ngược của thực dân Pháp đối với người dân Việt Nam, dần dần anh Thành càng hiểu hơn những điều mà người Pháp đang tuyên truyền ở Việt Nam đều là dối trá và trái sự thật. Tại sao người Pháp nói sang “khai hoá văn minh” cho người Việt Nam nhưng thuế má ngày càng tăng vọt, hàng ngàn trẻ em Việt Nam vẫn chịu ngu dốt vì nạn thiếu trường. Tại sao các tác phẩm văn học tiến bộ của Vích to Huy gô, Rút xô, Mông tex kiơ người Pháp lại cấm đọc...Đứng trước những thảm cảnh ấy, rõ ràng ở lứa tuổi 17-18 ở anh Thành lúc này cho phép anh đủ trí, đủ lực suy nghĩ, nhìn nhận cuộc sống và thông cảm hơn nỗi thống khổ của đồng bào.
Trong lúc bao suy nghĩ đang chất chứa và nung nấu trong anh, thì cuộc vận động Duy tân ở Nhật Bản và các nước phương Tây qua sách báo tiến bộ đang lan truyền mạnh mẽ vào Việt Nam. Khắp nơi các sĩ phu yêu nước và thanh niên mang tư tưởng tiến bộ nô nức bàn luận sôi nổi. Ai cũng muốn đưa đất nước tiến lên theo con đường phục hưng của các nước ấy. Cụ Phan Bội Châu chủ trương dựa vào Nhật đào tạo nhân tài, giúp đỡ vũ khí chuẩn bị lực lượng tiến lên bạo động đánh đổ thực dân Pháp. Điều đó rất bất lợi, chẳng khác gì “đưa hổ cửa trước, rước beo cửa sau”(3). Ông Phan Chu Trinh thì phản đối quan điểm bạo động và chủ trương dựa vào Pháp xây dựng dân quyền, dân chủ. Điều đó thật ảo tưởng, chẳng khác nào “xin giặc rủ lòng thương” (4).
Trong quá trình tuyển chọn thanh niên có chí hướng sau này giúp nước cứu dân, ông Phan Bội Châu đến đưa anh Thành sang Nhật. Anh không đi, “anh đã từ chối con đường Đông Du”, có lẽ anh Thành còn muốn lắng nghe và chờ kết quả của các cuộc bàn luận ở các sĩ phu yêu nước tiến bộ lúc này để xác định cho anh một hướng đi mới.
Trong lúc suy nghĩ, lắng nghe sự bàn luận con đường đi lên của dân tộc, thì ở Huế phong trào vận động Duy tân phát triển rầm rộ. Khắp nơi thanh niên, học sinh và các sĩ phu yêu nước nô nức hô hào đàn ông cắt tóc ngắn, để răng trắng, mặc áo ngắn theo nền văn minh của các nước tân tiến. Người ta muốn phá những cái gì lạc hậu để vươn tới theo trào lưu tư tưởng mới. Với lòng khát khao tư tưởng tiến bộ, với lòng thương yêu đồng bào, căm thù đế quốc Pháp và phong kiến nhà Nguyễn, anh Thành đã tham gia phong trào Duy tân với lòng nhiệt tình sôi nổi, đầy nhiệt huyết của lứa tuổi thanh niên. Hằng ngày, anh tham gia diễn thuyết hô hào hợp quần ái quốc, đọc các bài văn thơ yêu nước.
Theo đồng chí Hoài Bắc, Chủ tịch tỉnh Hải Dương kể lại rằng, có lần về thăm tỉnh Bác kể lại như sau: “Trước đây còn nhỏ, Bác học ở Huế, có phong trào cắt tóc Bác cũng tham gia. hồi đó, đàn ông cũng để tóc dài búi tó củ hành. Khi có phong trào cải lương vận động người cắt tóc nhưng chưa ai biết vận động gì, mà thường thanh niên cứ đến ngày phiên chợ mang một cái giỏ, một cái kéo ra các ngả đường và giữa chợ, ai đi qua thì kéo vào cắt tóc cho họ rồi đọc mấy câu:
“Húi hề, húi hề,
Bỏ cái ngu này,
Bỏ cái dại này,
Húi hề, húi hề”(5)
Rõ ràng, phong trào Duy tân lúc này là một cuộc vận động chính trị rộng lớn, biểu hiện sự đổi mới, muốn vươn lên của quần chúng nhân dân Huế mỗi khi có một trào lưu tư tưởng mới xâm nhập mạnh mẽ vào thành phố. Và đây chính là điều kiện tốt để anh thanh niên Nguyễn Tất Thành biểu lộ lòng nhiệt huyết mà anh đã ấp ủ bấy lâu nay. Chính sự tham gia tích cực, sôi nổi của anh Thành trong phong trào Duy Tân thể hiện sự chuyển biến bước đầu trên con đường hình thành tư tưởng yêu nước của anh và có thể nói rằng đây là hành động yêu nước đầu tiên của anh thanh niên Nguyễn Tất Thành tại Huế.
Từ phong trào Duy tân vận động nhân dân học và làm theo tư tưởng mới, nhiều tổ chức yêu nước do các cụ Phan Bội Châu và Phan Chu Trinh khởi xướng và hoạt động sôi nổi, anh Thành đã tham gia công tác bí mật làm liên lạc cho các tổ chức yêu nước.
Khoảng năm 1908, anh Nguyễn Tất Thành vào học trường Quốc Học Huế. Trường Quốc Học thành lập nhằm thay thế cho trường Hành Nhơn của chính phủ Nam triều để đào tạo một tầng lớp quan lại công chức phục vụ cho bộ máy cai trị của thực dân Pháp. Mặc dầu hàng ngày anh Nguyễn Tất Thành phải tiếp xúc với những chương trình nhồi sọ của thực dân Pháp, nhưng vốn có tính hiếu động muốn biết rõ thực chất nền giáo dục của Pháp nên anh Thành rất say sưa học tập. Vốn có trình độ hiểu biết về chữ Hán và chữ Pháp nên anh Thành tiếp thu bài giảng rất nhanh. Ngoài thời gian lên lớp, Thành còn miệt mài tìm đọc thêm sách báo tiếng Pháp ở thư viện trường. Tính hiếu động, sự say mê học tập và vốn hiểu biết thực tế ngày càng giúp anh thấy rõ hơn sự lừa bịp của Pháp, hiểu sâu hơn những từ ngữ “khai hoá văn minh” của người Pháp và sự mất chủ quyền của người Việt Nam.
Về sau, trong tác phẩm “Bản án chế độ thực dân Pháp”, Người đã vạch trần thực chất sự khai hoá văn minh của thực dân Pháp mà Người đã chứng kiến trong những năm tháng sống ở Huế. Người viết: “Mỗi năm vào thời kỳ khai giảng, nhiều phụ huynh phải đi gõ cửa, phải chạy chọt mọi nơi quyền thế, có khi chịu trả gấp đôi tiền nội trú nhưng vẫn không tìm được chỗ cho con học và hàng nghìn trẻ em đành phải chịu ngu dốt vì nạn thiếu trường...Tôi còn nhớ một người anh em họ tôi muốn được vào học trong những “thiên đường trường học” kia...Một hôm, anh đánh bạo mang đơn đến xin quan đốc, một người Pháp, phụ trách cái trường mà tôi được đặc ân vào học trước đó ít lâu. “Quan đốc” thấy anh cả gan như thế nổi khùng quát tháo: “Ai cho phép mày đến đây”, rồi xé vụn lá đơn trước mặt những cặp mắt ngơ ngác của lớp học” (6).
Không chỉ riêng bọn công chức người Pháp hoạnh hoẹ người Việt Nam trong các công sở, trường học, mà ngay cả binh lính Pháp cũng có quyền đánh đập và làm những trò bỉ ổi đối với người Việt Nam ngoài đường phố. Sống dưới xã hội thực dân nửa phong kiến, nhân dân Việt Nam đang rên xiết trong cảnh nô lệ, bần cùng và bế tắc như không có đường ra.
Việc cứu nước, cứu dân lúc này được đặt ra trong mỗi suy nghĩ và tình cảm của những thanh niên Việt Nam yêu nước nói chung, của anh thanh niên Nguyễn Tất Thành nói riêng. Đó cũng là nguyện vọng thiết tha của nhân dân ta.
Đi đến đâu, anh Thành cũng nghe những bàn luận sôi nổi về con đường đi lên của dân tộc trong các sĩ phu yêu nước đương thời. Nhất là ngay sau khi thực dân Pháp cấu kết với Nhật trục xuất các nhà yêu nước Việt Nam đang du học ở Nhật. “Duy tân hội” và cuộc “Đông du” tan rã thì cuộc bàn luận về con đường cứu nước cứu dân lúc này càng trở nên khẩn thiết.
Sự tráo trở của Nhật năm 1908 đã làm chuyển biến tư tưởng của những sĩ phu ở Việt Nam theo nhiều khuynh hướng khác nhau. một số người mất niềm tin ở chính mình, ở sự đi lên của đất nước, tỏ ra hoang mang dao động. Nhiều nhà nho yêu nước khác nhận thấy rõ hơn bản chất của kẻ thù dân tộc nhưng vẫn bế tắc con đường cứu nước cứu dân. Có lẽ trong sự trăn trở và bế tắc chung, anh Thành đã suy nghĩ. Cùng với phong trào Đông Du, năm 1907, ở Hà Nội, trường Đông Kinh nghĩa thục được thành lập nhằm gây phong trào, chấn hưng việc học, mở mang dân trí, chống bảo thủ, tuyên truyền tư tưởng dân chủ tư sản, đề cao tinh thần yêu nước. Thông qua các bài giảng hoặc qua các cuộc diễn thuyết để vận động nhân dân. Đông Kinh nghĩa thục tồn tại không được bao lâu, đến năm 1908 bị đóng cửa.
Trong lúc ở Bắc kỳ có phong trào Đông Kinh nghĩa thục thì ở Trung kỳ đầu năm 1908, nhân dân sục sôi khí thế đấu tranh chống sưu cao, thuế nặng. Phong trào bắt đầu nổ ra ở Quảng Nam, Đà Nẵng và đã lan rộng ra các tỉnh lân cận khác.
Ở Huế, tháng 4 năm 1908, phong trào đấu tranh chống thuế của nhân dân lao động đã diễn ra mạnh mẽ, sôi nổi lan rộng khắp 6 xã xung quanh thành phố Huế, bắt đầu từ làng Công Lương. Rạng sáng ngày 11.4.1908, nhân dân 6 xã quanh thành phố kéo vào thành Huế kết hợp với thợ thủ công, những người buôn bán nhỏ xuống đường nằm chắn cầu Tràng Tiền, vây quanh toà Khâm Sứ Pháp để đấu tranh chống sưu chống thuế. Cuộc đấu tranh sôi nổi của quần chúng nhân dân lao động đã thôi thúc học sinh yêu nước như anh Thành phải hành động. Thực tại ở Huế làm cho anh Thành “nhìn rõ hơn kẻ thù của dân tộc”, thông cảm hơn nỗi thống khổ của đồng bào. Anh đã vận động học sinh, bạn bè quanh anh tham gia tích cực trong đoàn biểu tình và đưa những yêu sách của nhân dân cho toà Khâm sứ Pháp.
Sự vùng lên của nhân dân lao động Huế càng cho anh Thành thấy được đòi hỏi thiết tha và nguyện vọng chính đáng của quần chúng nghèo khổ. Và thấy rõ vai trò sức mạnh của quần chúng lao động trong cuộc đấu tranh cách mạng.
Nói tóm lại, qua sự tráo trở của kẻ thù, sự thất bại của phong trào Duy Tân, sự đàn áp đẫm máu của thực dân Pháp đối với nhân dân lao động Huế trong cuộc đấu tranh chống thuế miền Trung cũng như một số cuộc đấu tranh khác là những minh chứng hùng hồn để anh Thành thấy rõ hơn kẻ thù của dân tộc là bọn thực dân Pháp xâm lược và quần chúng nhân dân là động lực của cuộc đấu tranh.
Tuy ở Huế anh Thành có điều kiện để tiếp xúc với một số sách báo Pháp, với các “tân thư, tân sách” và một số sách báo tiến bộ khác. Nhưng tất cả những vấn đề trên vẫn chưa giải quyết được những điều còn chất chứa trong đầu anh. Tại sao dân ta vẫn khổ, tại sao “tự do - bình đẳng - bác ái” mà nhân dân ta vẫn bị chém giết, bị tù đày, bị chết chóc...?
Có lẽ “tự do - bình đẳng - bác ái” đã thôi thúc anh Thành đi tìm đường cứu nước cứu dân. Và chính có lòng yêu nước thương dân cho nên ngay thời gian sống, học tập ở Huế anh Thành đã có suy nghĩ “muốn đi ra ngoài, xem nước Pháp và các nước khác. Sau khi xem xét họ làm như thế nào, sẽ trở về giúp đồng bào” (7).
Thấy được sự hạn chế của con đường “bạo động và cải lương” của cụ Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, sau thất bại của phong trào chống thuế, anh Thành quyết định rời mảnh đất Huế thân yêu của chúng ta để thực hiện điều mong muốn cứu nước, cứu dân của anh. Anh đi vào Phan Thiết dạy học tại trường Dục Thanh, vào Sài Gòn xuất dương tìm đường cứu nước.
Kính thưa các đồng chí.
Đã 90 năm qua, thành phố Huế thân yêu của chúng ta vẫn còn giữ lại không biết bao nhiêu kỷ niệm về thời niên thiếu của Bác. Tìm hiểu sự hình thành nhân cách của Bác ở Huế là một quá trình tìm lại từng dấu vết lịch sử, từng cử chỉ, lời nói và hành động của Người trên những nơi ở và học tập, những con đường mà Bác đã đi qua: Đinh Bộ Lĩnh, Mai Thúc Loan, Lê Lợi...Có như thế, chúng ta mới thấy hết tình cảm chân thành và sự gắn bó của Bác đối với quê hương chúng ta.
Có thể nói rằng, cùng với Hoàng Trù, làng Sen (Kim Liên) nơi sinh ra Hồ Chủ tịch đánh dấu sự xuất hiện của một vĩ nhân, thì Huế cũng chính là nơi đánh dấu sự hình thành tư tưởng yêu nước của Bác trước tuổi 20.
Huế, ngày 26.4.1984.
Trương Lường
Ban nghiên cứu lịch sử Đảng Bình Trị Thiên
Chú thích:
(1) - Bộ trông coi lễ nghi, khánh tiết
(2) - Theo tài liệu Ban nghiên cứu lịch sử Đảng Nghệ Tĩnh.
(3) (4) (7) - Trần Dân Tiên - ‘Những mẫu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch”.- Nxb Sự Thật. - Hà Nội.- Tr.13.
(5) - Theo tài liệu lưu trữ ở Ban nghiên cứu lịch sử Đảng Bình Trị Thiên.
(6) - Nguyễn Ái Quốc - “Bản án chế độ thực dân Pháp” - Nxb Sự Thật - Hà Nội - 1975, tr. 131.
Nguồn: Hội thảo “Thời niên thiếu Bác Hồ”.