Thời gian mở cửa: Thứ ba - Chủ nhật

Sáng: 08:00 - 11h30 Chiều: 13:00 - 17:00

Điện thoại: 0234.3845217 - 3822152

Địa chỉ: 07 Lê Lợi, Q.Thuận Hóa, TP.Huế

Các dân tộc ít người ở Bình Trị Thiên với Bác Hồ
Đọc bài viết:
Hồ Chủ tịch - lãnh tụ vĩ đại của dân tộc ta đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, cho hạnh phúc, tự do của toàn dân. Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, mặc dù bận trăm công nghìn việc nhưng Bác thường xuyên quan tâm, chăm sóc, lo lắng, dạy bảo toàn Đảng, toàn dân ta trên con đường cách mạng. Đối với đồng bào các dân tộc thiểu số nước ta nói chung, các dân tộc ít người ở miền Tây Bình Trị Thiên nói riêng, đã vinh dự, tự hào và vô cùng cảm động đón nhận sự quan tâm chăm sóc, dạy bảo ân cần của Bác. Đồng bào các dân tộc miền núi vốn mơ ước cuộc sống ấm no, hạnh phúc trong độc lập tự do cho nên khi biết được con đường cách mạng do Bác tìm thấy, do Bác vạch đường chỉ lối cho họ đi tới mục đích đó, họ vô cùng sung sướng, tin tưởng và trung thành tuyệt đối với đường lối đó, vô cùng biết ơn công lao trời biển của Bác Hồ - vị cha già của dân tộc.

Tình cảm của đồng bào các dân tộc đối với Bác Hồ trước hết là tình cảm sâu sắc của những người nghèo khổ nhất đã được Bác chỉ ra cho con đường đi đến ấm no, hạnh phúc, là tình cảm của những người sống trong chế độ nô lệ được Bác vạch ra cho con đường tranh đấu giành lấy độc lập tự do.

Con đường cách mạng do Bác Hồ tìm ra, chính sách dân tộc do Bác Hồ vạch ra, cuộc đời hoạt động của Bác, đạo đức cách mạng trong sáng của Bác... là nguồn gốc sâu xa, là nguyên nhân cơ bản giải thích tấm lòng yêu quý và sự biết ơn sâu sắc của nhân dân các dân tộc đối với Bác. Mỗi dân tộc, mỗi địa phương đã thể hiện tấm lòng của mình đối với Bác bằng những hình thức phong phú và theo những đặc điểm riêng của dân tộc mình.

Đồng bào các dân tộc Chứt, Tà ôi, Vân Kiều, Ca Tu ở Bình Trị Thiên đều lấy họ Hồ làm họ của mình (1). Nhưng việc lấy họ của Bác làm họ cho gia đình, cho cả dân tộc thì đã có từ lâu. Nó xuất phát từ lòng thương yêu, kính trọng vô hạn đối với Bác, đó cũng là sự thể hiện lòng biết ơn, sự tin tưởng vững chắc vào đường lối cách mạng do Bác tìm ra, vào sự lãnh đạo của Đảng, của Chính phủ. Theo những tài liệu mà chúng tôi vừa tìm hiểu được cho biết các dân tộc miền Tây Bình Trị Thiên đã lấy họ của Bác làm họ cho cả dân tộc mình xảy ra đồng thời ở nhiều nơi, từ ngay sau khi cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công.

Theo đồng bào các dân tộc ở xã A Ngo huyện Hướng Hoá cho biết, việc đồng bào lấy họ Hồ làm họ của dân tộc mình xảy ra từ năm 1946, khi tiến hành làm thẻ tuỳ thân. Đồng bào Chứt ở Dân Hoá (Tuyên Hoá) cũng bắt đầu lấy họ Hồ từ năm này. Một đồng chí cán bộ trẻ người CaTu ở Nam Đông có nói với chúng tôi là: Khi anh sinh ra năm 1952 đã được cha mẹ đặt cho họ Hồ rồi, bố mẹ anh ta và bà con dân bản đều có họ như vậy.

Cần phải nói thêm là đồng bào các dân tộc ở đây tính dòng họ của mình theo những  Yá  (người CaTu), những Mu (người Vân Kiều) (2)... và như vậy theo quy định của các tổ chức dòng họ cấm kết hôn trong nội bộ các Yá, Mu. Nhưng trong thực tế, qua nghiên cứu các tài liệu dân tộc học sưu tầm được đã cho phép khẳng định họ Hồ là họ mới đây của đồng bào các dân tộc chứ không phải là họ có từ xưa, cho nên nó không quy định và không bị ngăn cấm trong các trường hợp quan hệ hôn nhân gia đình, trong việc tính hệ thống thân tộc.

Lấy họ của Bác làm họ của mình là một biểu hiện tình cảm rất sâu sắc, là một việc làm có tính chất tập thể của đồng bào các dân tộc miền Tây Bình Trị Thiên đối với Hồ Chủ tịch. Bên cạnh đó còn rất nhiều hình thức phong phú khác để biểu hiện tấm lòng của dân tộc mình đối với Bác. Trong đó, trước hết ta phải kể đến các tấm gương chiến đấu hy sinh dũng cảm trước quân thù: Đó là AVầu người thanh niên dân tộc Tà Ôi ở xã Hồng Kim huyện A Lưới đã anh dũng hy sinh từ những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp, tấm gương hy sinh của anh và đặc biệt là tình cảm biết ơn chân thành của anh đối với Bác được đồng bào lưu truyền đến ngày nay; Đó là chị Agiắc người Vân Kiều ở xã Hướng Tân (Hướng Hoá) chị bị bọn Mỹ nguỵ bắt được lúc đang làm nhiệm vụ, chị đã bị tra tấn bằng mọi cực hình song bọn giặc vẫn không hề khai thác được gì ở chị, cuối cùng chúng đã kẹp chị giữa hai thanh tre rồi đưa lên nướng trên ngọn lửa cháy đỏ. Bằng những hình thức tra tấn cực kỳ man rợ như vậy, song bọn giặc cũng đều thất bại trước sự hy sinh anh dũng tuyệt vời của các chiến sĩ cộng sản người dân tộc. Ở A Lưới, có gia đình có bốn người được tặng danh hiệu anh hùng các lực lượng vũ trang giải phóng. Sức mạnh tổng hợp đã giúp đồng bào lập nên những chiến công hiển hách, những thắng lợi vẻ vang, đó là tấm lòng thương yêu vô hạn, là niềm tin mãnh liệt, là lòng biết ơn sâu sắc đối với công lao trời biển của Bác Hồ.

Suốt 21 năm chiến đấu, bọn đế quốc và bè lũ tay sai đã thực hiện hàng loạt chính sách, âm mưu xảo quyệt đối với vùng đồng bào các dân tộc. Suốt giải đất miền Tây Bình Trị Thiên này tính ra phải gánh chịu trung bình 28 tấn bom trên mỗi đầu người. Chỉ tính riêng huyện A Lưới địch đã đánh hơn 2.000 lượt B52. Bên cạnh lượng bom đạn và chất độc hoá học chúng dội xuống, bên cạnh các hình thức đàn áp, bắt bớ khác thâm độc hơn, nham hiểm hơn là chính sách chia để trị của chúng, bằng việc tố cộng, diệt cộng, bằng các trại tập trung trá hình mà chúng dựng lên ở đây để uy hiếp tinh thần cách mạng của quần chúng nhằm tiêu diệt các cơ sở cách mạng đã từng ăn sâu bén rễ trong đồng bào. Hơn thế nữa, chúng còn thực hiện chính sách cưỡng bức di cư. Năm 1972 bất chấp mọi tục lệ cổ truyền của dân tộc, chúng đã xúc hơn 3.000 dân Vân Kiều ở vùng dọc đường 9 để đưa vào tận Jat ở Đắc Lắc.

Mặc dù cuộc sống bị o ép trong các trại tập trung hay bản làng bị bom phá huỷ... nhưng trước sau đồng bào vẫn một lòng một dạ tin tưởng vào Bác Hồ, hướng về miền Bắc xã hội chủ nghĩa nơi Bác Hồ, Trung ương Đảng và Chính phủ đang từng ngày từng giờ lo lắng, chăm sóc, chỉ đạo cho cách mạng miền Nam. Có nhiều vùng đồng bào đã giữ rất kỹ, giấu rất kín những tờ báo, tờ bạc có in hình Bác Hồ. Có người cắt hình trên báo ảnh như tấm ảnh chụp “Bác đi chiến dịch Biên Giới 1950” cất kỹ trong cái tiệp cùng với các đồ vật quý giá trong gia đình. Cuối năm 1955, cách mạng miền Nam bước vào thời kỳ khó khăn gian khổ nhất là vùng Tây Quảng trị. Trước tình hình đó Hồ Chủ tịch đã gởi một số quà tặng cho đồng bào cán bộ Quảng trị nhất là xã Húc vượt qua những khó khăn gian khổ, những thử thách ác liệt nhất trong những ngày giáp mặt với quân thù.

Có nhiều vùng đồng bào bị đói do hậu quả của chất độc hoá học gây ra, do hạn hán mất mùa... họ phải ăn rau rừng cả năm trời nhưng kho gạo của Bác Hồ thì lại được bảo vệ rất kỹ. Họ giữ kín, giữ cẩn thận, vài năm sau có dịp  gặp được cán bộ cụ Hồ, bộ đội cụ Hồ đi qua hay ghé lại công tác, họ mang gạo ra nuôi cán bộ, bộ đội bàn giao đầy đủ số gạo cất giữ. Đồng bào nói rất xúc động: “đây là của cụ Hồ, để dành cho bộ đội cụ Hồ ăn để đánh giặc cứu nước, cứu dân còn đồng bào đói mấy cực mấy cũng chịu được”. Trong kháng chiến chống Mỹ, có chiến sĩ giao liên người Tà Ôi gùi trên lưng hàng tạ gạo đem ra chiến trường nuôi quân, ấy thế mà trên đường đi, anh đói nhưng quyết không ăn hạt nào, tìm rau rừng củ rừng ăn qua ngày, nạp gạo cho chiến trường không thiếu hạt nào. Ở vùng núi thường xuyên đồng bào bị đói cơm, lạt muối, có những gia đình ở Hướng Hoá trong những năm đói kém, thiếu thốn, đã cất giữ ống muối cụ Hồ như những đồ vật thiêng liêng quí báu, họ chỉ đem xuống cho trẻ nhỏ và người già vài hạt, xong lại cất trên gác bếp để dành nuôi cán bộ, bộ đội. Đồng bào nói bộ đội thiếu muối ăn sẽ không đủ sức khoẻ để đánh giặc, còn đồng bào thì đốt cỏ tranh để ăn thay muối.

Trong những năm chống Mỹ cứu nước gian khổ ấy, cũng đã có nhiều chiến sĩ dân tộc ở miền Tây Bình Trị Thiên hay các cán bộ người Kinh công tác ở vùng dân tộc ra Thủ đô Hà Nội được vinh dự vào thăm Bác như Tà Nay (chủ tịch xã Vĩnh Khê), Chu Khẳm (chủ tịch xã Vĩnh Ô) là dân tộc Vân  Kiều. Các anh hùng lực lượng vũ trang như anh Vai, chị Kan Lịch, sau khi ở chiến trường ra Bắc cũng được vinh dự gặp Bác, được bác đến thăm như đồng chí Hồ Sĩ Thản lúc đó đồng chí làm Bí thư tỉnh uỷ Quảng trị. Những lần được gặp Bác, tất cả đều vô cùng cảm động và khâm phục trước tấm lòng bác ái của Người đối với các chiến sĩ từ tiền tuyến anh hùng ra thăm miền Bắc. Bác ân cần hỏi thăm tình hình sức khỏe của từng người, hỏi thăm miềncụ già, các bà mẹ, các cháu thiếu niên nhi đồng, thăm tất cả các bà con dân tộc ở các bản làng xa xôi, đời sống có đủ ăn, mặc đã đủ ấm chưa, đã có cái chữ cho con cháu học chưa...

Trong lần  gặp Bác, bác hỏi đồng chí Hồ Sĩ Thản “Chú xin phép ai mà cho bà con Vân Kiều lấy họ của Bác mà đặt?” đồng chí Thản trả lời “Thưa Bác vì đồng bào rất nhớ, rất kính yêu Bác nên đồng bào làm rứa ạ” Bác cười nói Bác đùa cho vui thôi, chứ Bác cũng rất thương rất nhớ đồng bào” (3).

Tình cảm của Bác, tấm lòng yêu thương vô hạn của Bác đối với đồng bào các dân tộc vô cùng vĩ đại, không có lời nào tả được hết. Đồng bào Vân Kiều nói: “Bác mất đi nhưng tình cảm của Bác, hình ảnh của Bác luôn luôn gần gũi với đồng bào, Bác hơn cả cha mẹ sinh ra chúng tôi, lòng Bác với dân tộc chúng tôi như trời cao biển rộng”, “Bác mất đi nhưng tiếng Bác vẫn còn lời Bác nói chúng tôi làm mãi mãi không hết”.

Hơn ai hết đồng bào các dân tộc miền Tây Bình Trị Thiên đã từng sống trong những năm tháng cơ cực dưới sự thống trị của chủ nghĩa thực dân cũ và mới. Trong quá trình cách mạng đồng bào đã được Đảng, Chính phủ và Bác Hồ dìu dắt trên con đường đấu tranh chống ngoại xâm và chống nghèo nàn lạc hậu. Trước đây đồng bào sống lang thang nay đây mai đó, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc. Nhưng từ ngày có Đảng, có Bác Hồ, đồng bào đã từng bước đi lên. Chiến thắng lạc hậu, nghèo nàn chiến thắng giặc ngoại xâm, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Sau này miền Nam hoàn toàn giải phóng, bộ mặt nông thôn miền Tây Bình Trị Thiên đã đổi mới. Đường sá mở rộng rải, “Ô tô tha hồ chạy”. Các thôn, bản làng được tổ chức lại khang trang sạch sẽ hơn xưa, các xã đều có trường phổ thông cấp một; có trạm xá chữa bệnh cho dân, ở huyện có trường cấp 2,3; có cửa hàng mua bán cung cấp thường xuyên nhu yếu phẩm cho đồng bào như mắm, muối, vải mặc, sách vở cho trẻ con, đồ dùng cho gia đình và các công cụ phục vụ cho sản xuất nông nghiệp. Đời sống văn hoá vật chất của đồng bào ngày mỗi thay đổi tươi đẹp hơn, no ấm hơn.

Uống nước nhớ nguồn, đồng bào dân tộc miền Tây Bình Trị Thiên có được cuộc sống ngày nay, đồng bào luôn ghi lòng tạc dạ công ơn trời biển của Bác, ghi sâu lời dạy của Bác quyết tâm đi theo Đảng làm cách mạng đến cùng.

                                                                                                                                                       Vũ Thị Việt

 

Chú thích:

(1): Vũ Thị Việt - giới thiệu các dân tộc mang họ Hồ, tập san văn hoá Bình Trị Thiên số 5. 1980.

(2) Các bài nghiên cứu dân tộc học trong thông tin khoa học - ĐHTH Huế.

(3): Hồ Sĩ Thản - Nhớ lại lần gặp Bác (Hồi ký).

Nguồn: Hội thảo Bác Hồ với Bình Trị Thiên, Bình Trị Thiên với Bác Hồ. 1987.

Các bài khác
    << < 1 2 > >>