Kính thưa quý khách!
Về kiến trúc, Nhà lưu niệm thời niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở làng Dương Nỗ là một ngôi nhà rường truyền thống Huế, rộng ba gian, hai chái, vách ghép ván, mái lợp tranh, nằm theo hướng Đông Nam. Nhà nằm trong khuôn viên rộng lớn được bao bọc trong khuôn viên chè tàu xanh mướt, 2 gốc sứ to sù sì, tán rộng phủ cả mái nhà. Về với nhà Bác, ta như trải lòng với cảnh sắc yên bình và tươi đẹp của thiên nhiên nơi đây, khác xa với những bộn bề, tấp nập của chốn đô thị.
Nội thất ngôi nhà được bài trí đơn giản, tiện lợi. Gian giữa đặt án thờ. Phía trước kê một bộ phản gỗ gõ là nơi cụ Sắc ngồi dạy học, một án thư cụ Sắc để sách vở, nghiên mực, bút và một vài gối tỳ tay dùng để tỳ (kê) tay khi đàm đạo. Lớp học không có bàn ghế; hai bộ phản gỗ gõ kê ở hai gian bên để học trò ngồi học. Ở góc trong gian bên trái kế gian giữa có kê một giường gỗ gõ dát tre là nơi Nguyễn Sinh Khiêm và Nguyễn Sinh Cung thường nằm. Góc trong gian bên phải cạnh gian giữa kê một rương gỗ gõ đựng đồ dùng của cụ Sắc. Hai chái hai đầu nhà là hai buồng, buồng bên phải để cất quần áo sinh hoạt cho cụ Sắc và hai con, có trổ cửa sổ và treo rèm, buồng bên phải là nơi cất gạo và thực phẩm. Nối với nhà chính là ngôi nhà ngang (mái lợp tranh) ba gian, vách bằng tre trát đất được sử dụng làm bếp sinh hoạt của gia đình.
Cụ Nguyễn Sinh Sắc mở lớp dạy học ở đây trong gần hai năm từ 1898 đến 1900. Học trò của cụ Sắc lúc đầu có Nguyễn Viết Kiên (con trai ông Nguyễn Viết Chuyên), Nguyễn Sĩ Kính, Nguyễn Sĩ Mại, Nguyễn Sĩ Khuyến (con trai ông Nguyễn Sĩ Độ). Sau thời gian ngắn, người trong làng nghe tin có thầy đồ có tài, giàu lòng nhân đức, nên đã xin cho con cái mình học, nên hình thành hai lớp (lớp học trò lớn chuẩn bị thi Hương và lớp học trò mới vào).
Nội dung, chương trình giảng dạy của thầy đồ Sắc theo lối từ chương Hán học thời bấy giờ. Ngoài ra cụ còn truyền thụ cho các học trò của mình những đức tính cao quý như: Tôn trọng đạo lí, truyền thống văn hóa, lịch sử, yêu quê hương đất nước, chuộng lao động... đã để lại trong tâm trí của học trò bao tình cảm tốt đẹp về hình ảnh của một người thầy đức độ, tài năng.
Đối với học trò cụ Nguyễn Sinh Sắc không đặt việc thu học phí. Đáp lại, gia đình học trò với tấm lòng kính trọng thầy nhân ngày mùa, ngày lễ, tết dân tộc đem lễ vật đến biếu thầy như gạo, nếp, hoa quả.... Trong thời gian ở đây, ngoài việc dạy học cho học trò, cụ Nguyễn Sinh Sắc tiếp tục ôn luyện để dự thi Hội.
Thời gian sống ở làng Dương Nỗ, Nguyễn Sinh Cung cũng bắt đầu học chữ Hán. Mặc dù mới học, nhưng Nguyễn Sinh Cung đã tỏ ra thông minh, tiếp thu nhanh, nhớ lâu. Mỗi ngày sau khi nghe giảng giải, Cung phải học thuộc và viết lại 8 trang bài, mỗi trang 16 dòng, mỗi dòng 20 chữ. Cung chỉ học thuộc và tập viết vài lần là nhớ tất cả, không sai sót một chữ nào. Học trò trong lớp thường kiểm tra nhau về thuộc bài, giải nghĩa, viết lại bài học thì cả lớp thầy Sắc đều khâm phục trí thông minh, ham hiểu biết và trí nhớ chính xác của Cung. Nguyễn Sinh Cung đối với mọi người lễ phép, hoà nhã, vui vẻ và ngay thẳng. Ngoài giờ học, Cung thường hay đi chơi câu cá, thả diều tại Đình làng Dương Nỗ, Bến Đá, làng Phò An, Am Bà.
Kính mời quý khách di chuyển xuống nhà bếp để tiếp tục tham quan!