Năm 1894, cụ Nguyễn Sinh Sắc (thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh) thi đỗ cử nhân khoa Giáp Ngọ tại trường thi Nghệ An. Một năm sau (1895), cụvào kinh đô Huế tham gia kỳ thi Hội đầu tiên nhưng không đỗ. Để tiếp tục con đường khoa cử, cụ nhờ người xin vào học trường Quốc Tử Giám tại Huế. Học ở Quốc Tử Giám tuy có học bổng của nhà nước cấp, nhưng học bổng chỉ là tượng trưng, rất ít ỏi gồm gạo, dầu và vài quan tiền không đủ để sinh sống. Cụ về quê bàn với vợ, đưa cả gia đình vào Huế, để cụ yên tâm học hành và có điều kiện chăm lo dạy bảo các con. Cảm thông trước hoàn cảnh của chồng, cụ Hoàng Thị Loan (thân mẫu Chủ tịch Hồ Chí Minh) đã đồng lòng đưa gia đình vào Huế.
Thời bấy giờ đối với người dân xứ Nghệ, hai tiếng “vào kinh” bao hàm nhiều nỗi gian truân. Đường từ Vinh vào Huế hồi ấy còn là đường đất quanh co, hiểm trở, xuyên rừng vượt núi. Đi đường biển thì nhanh nhưng phải mất nhiều tiền thuê thuyền. Trên tuyến đường bộ, các quan lại cùng vợ con đã có phu trạm phục dịch (khoảng 15km có 1 trạm). Cụ cử Sắc chưa phải là quan, nhà lại nghèo nên để vào Huế, cả gia đình phải nhập vào đoàn người đi bộ nương tựa nhau suốt dặm trường xa ngái, nhằm phòng trộm cướp và thú dữ. Cậu Cungcòn nhỏ lúc thì được cha cõng, lúc thì ngồi trong quang gánh của mẹ, lúc thì chạy nhảy trên đường; cùng với khách bộ hành gội nắng, dầm mưa, leo đèo, lội suối, ăn ngủ dọc đường gần tháng trời ròng rã mới đến Kinh đô Huế.
Để tái hiện lại bước đường khó nhọc, gian truân của gia đình Chủ tịch Hồ Chí Minh từ Nghệ An vào Huế năm 1895, Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế trưng bày tổ hợp không gian hình tượng về gia đình Chủ tịch Hồ Chí Minh khi qua đèo Ngang với nhóm tượng đi đầu Nguyễn Sinh Cung (5 tuổi) khuôn mặt rạng rỡ, khôi ngô, tuấn tú; rồi đến cụ Nguyễn Sinh Sắc, nét mặt rắn rỏi, tự tin; tiếp sau là cụ Hoàng Thị Loan, trải qua một đoạn đường dài đầy mệt mỏi, trên vai đôi quang gánh nặng trĩu; sau cùng là cậu bé Khiêm, dáng đi nhẹ nhàng, khuôn mặt hồn nhiên, hiếu kỳ trước phong cảnh núi non hùng vĩ.Dưới chân nhómtượng là lớp sàn đai màu nâu đất, tạo sóng uốn lượn tượng trưng cho con đường núi nhấp nhô, gồ ghề. Trên đai thể hiện bức tranh khung cảnh núi rừng làm nền cho cụm tượng trở nên sống động.