Chủ tịch Hồ Chí Minh, lúc nhỏ mang tên Nguyễn Sinh Cung, sinh ngày 19 tháng 5 năm 1890 tại quê ngoại làng Hoàng Trù, lớn lên ở quê nội làng Kim Liên, cả hai làng đều thuộc huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Người xuất thân từ một gia đình trí thức Hán học gốc nông dân, quê hương của Người là một vùng đất vừa có truyền thống cách mạng, vừa có truyền thống văn hoá, hai truyền thống ấy đan xen tạo cho Nghệ An trở thành vùng đất “địa linh, nhân kiệt” đã sinh ra nhiều người con ưu tú cho dân tộc ta.
Thân sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh là cụ Nguyễn Sinh Sắc. Cụ Nguyễn Sinh Sắc sinh năm 1862 mất năm 1929, là một người ham học,có chí hướng; cha mẹ mất sớm, được nhà nho Hoàng Xuân Đường hết lòng chăm sóc, dạy dỗ. Cụ đỗ Cử nhân năm 1894, Phó bảng năm 1901, có ra làm quan một thời gian nhưng chủ yếu sống bằng nghề dạy học và bốc thuốc. Cụ là người yêu nước, thương dân, hiểu thấu đạo lý, có cái nhìn mới về con đường phát triển của xã hội, không câu nệ lễ tiết, quan niệm sống nhân hậu; nhân cách và lối sống của cụ đã ảnh hưởng sâu sắc đến Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Thân mẫu của Người là cụ Hoàng Thị Loan. Cụ Hoàng Thị Loan sinh năm 1868 mất năm 1901, là con gái đầu của nhà nho Hoàng Xuân Đường; cụ là một phụ nữ hiền hậu, đảm đang; làm ruộng, dệt vải, nuôi con, hỗ trợ cho chồng theo đuổi sự nghiệp học hành, thi cử. Đặc biệt thân mẫu của Người có vốn văn hoá dân gian rất phong phú thể hiện qua câu hát, lời ru; phong thái nhẹ nhàng, tế nhị, sống chan hoà yêu thương với bà con láng giềng, với người nghèo khổ.
Chị gái của Chủ tịch Hồ Chí Minh là cô Nguyễn Thị Thanh, tức Bạch Liên (1884-1954); anh trai của Người là Nguyễn Sinh Khiêm, tức Nguyễn Tất Đạt (1888-1950), cả hai đều là những người yêu nước, tham gia các phong trào chống Pháp và đều bị bắt giam, tù đày gian khổ.