Công tác nghiên cứu sưu tầm là một trong những hoạt động cơ bản của bảo tàng, có vị trí quyết định cho sự tồn tại, phát triển và khả năng thu hút khách tham quan, nghiên cứu; vì vậy, bảo tàng hiện vật càng nhiều, càng quý hiếm, càng hấp dẫn thì sự trường tồn, sự bền vững của vị trí bảo tàng trong đời sống xã hội càng cao. Cùng với quá trình ra đời và phát triển của Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế là quá trình sưu tầm tài liệu, hiện vật để xây dựng kho cơ sở và phục vụ trưng bày, tuyên truyền, nghiên cứu.
Trong 35 năm qua, cán bộ Bảo tàng đã làm tốt công tác sưu tầm tư liệu, hiện vật. Đó là một quá trình tìm tòi, nghiên cứu vượt lên khó khăn để đến tận bản làng xa xôi, hẻo lánh, gặp gỡ hàng trăm nhân chứng. Đến nay, kho cơ sở của Bảo tàng hiện đang lưu giữ hơn 15.000 tư liệu, hiện vật, hình ảnh đáp ứng nội dung trưng bày phong phú, độc đáo và đặc trưng riêng của bảo tàng lưu niệm danh nhân. Đó chính là kết quả đáng kích lệ của các thế hệ cán bộ Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế.
Trong suốt chiều dài lịch sử, Bảo tàng luôn chú trọng công tác nghiên cứu, sưu tầm hiện vật dưới nhiều hình thức khác nhau, mỗi hình thức có một ưu thế khác nhau. Tuy nhiên, có những hình thức chỉ thực hiện được trong một giai đoạn nhất định nhưng cũng có những hình thức áp dụng lâu dài, liên tục. Quá trình nghiên cứu và thực hiện cho đến nay, Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế vẫn đang sử dụng 6 hình thức sưu tầm chủ yếu sau đây:
1. Tiếp nhận tài liệu hiện vật do các cơ quan đoàn thể, cá nhân trao tặng:
Trong những năm đầu xây dựng và hoạt động (1979 - 1990), Bảo tàng đã tiếp nhận hiện vật của hàng trăm cơ quan và đoàn thể tự nguyện đóng góp xây dự Bảo tàng, nhiều hiện vật có giá trị phục vụ trưng bày như: Áo Bông Bác Hồ tặng Ty Công an Thừa Thiên (5/1949); Áo lụa Bác Hồ tặng đồng chí Lê Đình Cúc (Hương Điền) trong chiến dịch Hòa Bình (1951 - 1952); Quai nón bằng vải đen nhân dân Thừa Thiên Huế để tang Chủ tịch Hồ Chí Minh che mắt Mỹ - Ngụy (9/1969); Lá cờ của Trung ương Hội liên hiệp Phụ nữ giải phóng miền Nam Việt Nam tặng 11 nữ tự vệ sông Hương dũng cảm trong chiến dịch Mậu Thân 1968; Sưu tập tiền và tác phẩm nghệ thuật có hình ảnh Bác Hồ qua các thời kỳ lịch sử (1945 - 1975) do nhân dân Thừa Thiên Huế cất giữ; Bầu đựng muối, rựa, dao, cuốc, Bác Hồ tặng đồng bào các dân tộc miền Tây Thừa Thiên Huế...
Trong những năm 1990 - 2005, Bảo tàng tiếp nhận hơn hơn 2.000 hiện vật quý hiếm phục vụ trưng bày: Sách Hán học ở Việt Nam cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX; Phù điêu Bác Hồ do Ủy ban kháng chiến Thừa Thiên Huế tặng Đoàn thanh niên cứu quốc xã Phú Phong (1949) được nhân dân huyện Phú Vang cất giữ; Huy chương chiến sỹ thi đua Bác Hồ tặng ông Nguyễn Đàm (Phú Lộc); Tượng Bác Hồ do ông Nguyễn Văn Lô, thành phố Huế thực hiện để tưởng nhớ Bác Hồ; Tượng Bác Hồ do ông Rober Ekins (người Mỹ) đúc năm 1967 để phản đối cuộc chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam và ủng hộ cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân Việt Nam; Ảnh tư liệu Bác Hồ với nhân sĩ trí thức Việt Nam yêu nước và gia đình Bửu Hội tại Pháp năm 1946... Từ 2005 - 2015, Bảo tàng đã tiếp nhận hàng ngàn hiện vật bổ sung, trưng bày và sưu tập, tem thư, tiền, hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh qua các chất liệu.... Huy hiệu, huân chương, huy chương các đồng chí lão thành cách mạng được Bác Hồ ký tặng qua hai cuộc kháng chiến...
Qua những hiện vật trên thể hiện tình cảm và niềm tin, sự kính trọng của nhân dân Việt Nam và bạn bè quốc tế đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh.
2. Sưu tầm trực tiếp (khảo sát sưu tầm):
Đây là công việc thường xuyên của cán bộ sưu tầm. Nghiên cứu, lập đề cương xây dựng kế hoạch sưu tầm bằng các cuộc khảo sát tổng hợp, khảo sát chuyên đề tổ chức tại nhiều địa phương trong Tỉnh và ngoài Tỉnh đã tạo được thế chủ động và mang lại hiệu quả cao trong công tác sưu tầm hiện vật theo mục tiêu đặt ra, nhằm bổ sung hiện vật kho cơ sở và trưng bày chuyên đề, đặc biệt là sưu tầm theo sưu tập. Điển hình dạng này, Bảo tàng đã tổ chức sưu tầm kết hợp với khoa Lịch sử - Đại học Khoa học Huế (1998 - 2002 - 2006 - 2009) trên toàn địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, kết quả thu được số lượng lớn 6.000 tài liệu, hiện vật quý để phục vụ nghiên cứu, trưng bày như: Chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh do cụ Ngô Mạnh Tiên (thành phố Huế) đã họa trên máy đánh chữ (1975); Những tờ tín phiếu và công phiếu ủng họ kháng chiến; Huy hiệu Bác Hồ tặng ông Hồ Sanh; Thư Bác Hồ gửi những người Việt Nam tham gia lính khố đỏ ở Pháp năm 1946; Chiếc bàn tính để dạy tính trong phong trào Bình dân học vụ năm 1946; Lư đồng nhân dân ủng hộ “Tuần lễ đồng”; Sưu tập hũ gạo tiết kiệm, hũ gạo ủng hộ kháng chiến (1946 - 1947)... Chiếc đồng hồ Bác tặng ông Hồ ANun (A Lưới), ông Trương Xà (Hương Trà); Sưu tập chân dung Bác Hồ bằng vải, gỗ, giấy, mây tre; Chiếc đài Bác tặng nữ AHLLVT Kan Lịch (1968); Bộ sưu tập gồm 626 tài liệu, truyền đơn biểu ngữ vận động cách mạng của nhân dân Thừa Thiên Huế qua 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ (1945 - 1975); Đôi móc võng của cán bộ chiến sĩ ở chiến trường Trị Thiên Huế dùng trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước; Sưu tập thư kiến nghị của đồng bào cán bộ chiên sĩ Thừa Thiên Huế gửi Bác Hồ; Phù điêu Bác Hồ - Ủy ban hành chính huyện Phú Lộc tặng gia đình ông Phan Mịch năm 1947.... Đó là những hiện vật có sức thuyết phục, gây ấn tượng sâu sắc cho khách tham quan nghiên cứu, hiểu sâu sắc thêm tấm lòng của nhân dân Thừa Thiên Huế đối với Bác Hồ và sự quan tâm ân cần của Người dành cho nhân dân Thừa Thiên Huế sâu nặng biết bao.
Trong quá trình thực hiện, chúng tôi nhận thấy, hình thức sưu tầm trực tiếp là hình thức sưu tầm cơ bản chủ đạo, nó được xuyên suốt trong quá trình ra đời và phát triển của Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế. Bởi cán bộ sưu tầm được tiếp cận đối tượng và có điều kiện nghiên cứu lựa chọn, thu thập những hiện vật có giá trị lịch sử và mang tính khoa học.
3. Kết hợp với các hoạt động khác để sưu tầm:
Thông qua các cuộc tọa đàm, hội thảo khoa học đã sưu tầm được khối lượng hiện vật không nhỏ bổ sung trưng bày chuyên đề, các sưu tập hiện vật như: Sưu tập hiện vật rựa, cuốc, của đồng bào dân tộc miền núi Thừa Thiên Huế được Trung Ương và Bác Hồ gửi tặng năm 1959 - 1964, đồng bào cất giữ đến ngày nay. Sưu tập hiện vật bản sắc văn hóa đồng bào dân tộc miền Tây Thừa Thiên Huế trong kháng chiến....
4. Xây dựng mạng lưới cộng tác viên:
Vấn đề nan giải nhất trong nội dung trưng bày, là hiện vật phần "Những năm tháng Chủ tịch Hồ Chí Minh và gia đình Người ở Thừa Thiên Huế", để đáp ứng nội dung trưng bày này, quá trình sưu tầm hiện vật và đồ dùng trong gia đình những năm cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX quả thực sự khó khăn bởi thời gian đã hơn 100 năm. Nhân chứng sống cùng thời với Người quá hiếm. Chính vì vậy, việc sưu tầm hiện vật gốc còn lại trong nhân dân là bất khả thi, trong hoàn cảnh đó, Bảo tàng sử dụng hiện vật đồng thời và phục chế được coi là giải pháp tối ưu. Việc xây dựng đội ngũ cộng tác viên gồm các nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa, các nhà Huế học, hội UNESCO Huế, CLB Tem Thừa Thiên Huế..., đã tạo được thế mạnh trong nghiên cứu, sưu tầm hiện vật và kết quả Bảo tàng đã thừa kế quá trình nghiên cứu sưu tầm tích lũy từ nhiều năm của họ và tranh thủ được ý kiến đóng góp về nội dung trưng bày và phục chế hiện vật. Với hình thức này, đã có nhiều tài liệu, hiện vật quý phục vụ nội dung trưng bày: Những hình ảnh tư liệu về Huế cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX: Quyển thi, nghiên mực, bút lông, án thư, truyền đơn của phong trào chống thuế năm 1908...
5. Phát động phong trào toàn dân ủng hộ, đóng góp tư liệu, hiện vật:
Bảo tàng đã tham mưu với Tỉnh ủy và ra công văn gửi các cấp, các ngành, tổ chức đoàn thể ở các địa phương, phổ biến rộng rãi cho nhân dân đóng góp tư liệu, hiện vật. Hình thức này đã thu được kết quả đáng kể, phòng truyền thống các ngành đã tích cực hưởng ứng, giúp đỡ, tạo điều kiện cho Bảo tàng sưu tầm nhiều hiện vật quý. Phòng truyền thống Tỉnh đội, Công an Tỉnh, ngân hàng, bưu điện, trường Quốc Học, các phường xã... đã đóng góp gần 3.000 tài liệu hiện vật trưng bày như: Sưu tập báo chí; Băng vòng hoa viếng Bác Hồ tại Hà Nội năm 1969 của lực lượng vũ trang Thừa Thiên Huế; Bộ phận tầm của khẩu pháo ĐKB của C2d32 lập công kỷ niệm sinh nhật Bác Hồ (19/5/1968) của lực lượng vũ trang Thừa Thiên Huế tại căn cứ Đồng Lâm (Phong Điền); Những bức thư của cán bộ, nhân dân Thừa Thiên Huế gửi Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1955 – 1956; Sưu tập chân dung của Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng vải, gỗ, giấy, nhôm, đồng, đá...
Hội Cựu chiến binh đã phát động khắp toàn Tỉnh hiến tặng những kỷ vật thiêng liêng qúy giá các cán bộ, chiến sĩ trong hai cuộc kháng chiến như: Bản đồ đường Hồ Chí Minh qua đất Trị Thiên Huế (1968-1975) do cụ Hùng Sơn (thành phố Huế) trao tặng; Huân chương kháng chiến, huy hiệu Bác Hồ...
Thật khó có thể diễn tả hết được những tình cảm sâu sắc, thiêng liêng và cao quý của đồng bào, cán bộ và nhân dân Thừa Thiên Huế trong những kỷ vật vô giá đó.
6. Kế thừa thành quả nghiên cứu sưu tầm của các bảo tàng bạn:
Qua quá trình tìm hiểu nguồn tư liệu, hiện vật, cán bộ sưu tầm Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế đã tiến hành khảo sát và đề nghị các bảo tàng Trung ương và địa phương giúp đỡ phục chế hiện vật như: Bức thêu của phụ nữ Thuận Hóa tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh trong kháng chiến chống Pháp (1948-1949) ở Bảo tàng Cách mạng Việt Nam; Phục chế hiện vật Xuân 68 tại Bảo tàng Quân đội; Ảnh tư liệu lịch sử tại Thông tấn xã Việt Nam, Viện Hán Nôm, Bảo tàng Hồ Chí Minh Hà Nội. Phục chế hiện vật như bộ quan phục, quần áo binh lính triều Nguyễn, thẻ bài ở Bảo tàng Mỹ thuật Cung đình Huế.
Sau 35 miệt mài thực hiện công tác nghiên cứu, sưu tầm, Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế đã có trong kho cơ sở hơn 15.000 tư liệu, tài liệu, hiện vật, phong phú về nội dung, đa dạng về loại hình (thể khối, giấy, vải, nghệ thuật tạo hình....), có nhiều hiện vật quý và tiêu biểu điển hình đáp ứng nội dung trưng bày, nghiên cứu khoa học và tuyên truyền về thân thế, sự nghiệp, tư tưởng đạo đức phong cách Hồ Chí Minh cho các thế hệ noi gương và học tập.