Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế là một công trình vǎn hoá lớn được xây dựng theo nguyện vọng của Đảng bộ và nhân dân Thừa Thiên Huế để tưởng nhớ vị lãnh tụ vô cùng kính yêu của dân tộc - Chủ tịch Hồ Chí Minh, Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà vǎn hoá kiệt xuất. Bảo tàng Hồ Chí Minh là nơi lưu giữ trên 15.000 tư liệu, hiện vật trong đó có những tư liệu, hiện vật quý và 7 bộ sưu tập có giá trị. Từ 35 năm nay, Bảo tàng luôn là địa điểm tham quan, học tập, nghiên cứu của cán bộ, nhân dân, học sinh, sinh viên trên địa bàn Tỉnh cũng như du khách trong và ngoài nước.
Công tác sưu tầm hiện vật là một trong những hoạt động nghiệp vụ cơ bản có vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng trong hoạt động của bảo tàng. Công tác này gắn liền với các khâu nghiệp vụ khác của bảo tàng như nghiên cứu, kiểm kê, bảo quản, trưng bày và giáo dục tuyên truyền tạo điều kiện cho bảo tàng ra đời, hoạt động và phát triển. Nếu không có sưu tầm hiện vật thì sẽ không có hiện vật bảo tàng, thành phần cơ bản cấu thành nên tầm vóc, quy mô, đặc trưng của bảo tàng và là cơ sở cho mọi hoạt động nghiệp vụ.
Có thể nói, công tác sưu tầm âm thầm, lặng lẽ, bền bỉ nhưng luôn có ý nghĩa sâu sắc. Khi tiến hành sưu tầm hiện vật, chúng tôi có cơ hội được tiếp cận với kho tàng di sản văn hóa vô cùng phong phú về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh qua các hiện vật, tư liệu và những bảo vật quý giá hiện còn được lưu giữ trong nhân dân. Cùng với đó được khám phá những câu chuyện lịch sử lý thú, những thông tin khoa học hấp dẫn ẩn chứa trong từng hiện vật.
Nhiệm vụ sưu tầm hiện vật tại Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế thường xuyên được tiến hành theo các kế hoạch ngắn hạn và dài hạn. Ngắn hạn là sưu tầm hiện vật phục vụ cho việc tổ chức các chuyên đề triển lãm nhân các ngày lễ lớn, các đợt sinh hoạt chính trị nhằm làm phong phú thêm hoạt động chuyên môn nghiệp vụ, góp phần đổi mới hoạt động bảo tàng. Dài hạn là sưu tầm bổ sung kho cơ sở, hệ thống trưng bày, xây dựng các bộ sưu tập hiện vật để phục vụ tốt công tác nghiên cứu trưng bày trong và ngoài bảo tàng. Công tác sưu tầm được tiến hành qua một hệ thống các biện pháp như: Sưu tầm theo kế hoạch ở trong và ngoài tỉnh; phối hợp với các trường đại học, cơ quan nghiên cứu khoa học tổ chức sưu tầm trên quy mô lớn; tiếp nhận tư liệu hiện vật do các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh hiến tặng; trao đổi tư liệu, hiện vật với các bảo tàng khác.
Với chúng tôi, những người làm công tác sưu tầm thì sưu tầm hiện vật là niềm đam mê ngấm sâu vào máu thịt. Bởi các tư liệu, hiện vật cũng có số phận, tâm hồn như một con người. Ở đó có những câu chuyện gắn với lịch sử, gắn với cuộc đời sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tình cảm của Người đối với nhân dân Thừa Thiên Huế, sự tôn kính của nhân dân Thừa Thiên Huế đối với Người và lại có những hiện vật gắn với những thời khắc thiêng liêng trong từng trận đánh ác liệt, hiện thân của sự khát vọng và tinh thần bất khuất, quả cảm của những người lính cụ Hồ. Vì thế, mỗi lần chúng tôi sưu tầm được một hiện vật trong tim lại dâng trào một niềm hạnh phúc khó tả. Để có những hiện vật quý, cán bộ sưu tầm bỏ ra không biết bao nhiêu công sức và tâm huyết, có những hiện vật không thể trao đổi bằng kinh phí mà cần rất nhiều sự chân thành, kiên trì, lòng yêu nghề mới mang lại hiệu quả
Có trường hợp hiện vật mang giá trị tinh thần gắn với truyền thống gia đình, dòng họ, những người thân đã mất trong gia đình. Điều này đòi hỏi người sưu tầm phải có sự gần gũi, kiên trì vận động để người dân nhận thức được ý nghĩa của việc hiến tặng hiện vật cho bảo tàng. Nhiều lúc từ khi phát hiện hiện vật đến khi đem về được bảo tàng chúng tôi phải đi lại hàng chục lần để thuyết phục. Mặc dù công tác sưu tầm còn gặp phải không ít khó khăn nhưng chúng tôi tin cơ hội để sưu tầm được tư liệu, hiện vật vẫn luôn rộng mở. Bởi vì mỗi cơ quan, mỗi cá nhân đang lưu giữ những kỷ vật về Chủ tịch Hồ Chí Minh đều luôn sẵn lòng giúp đỡ và hiến tặng cho Bảo tàng những hiện vật, tư liệu liên quan đến cuộc đời và sự nghiệp Chủ tịch Hồ Chí Minh, để những kỷ vật ấy phát huy giá trị cho hôm nay và mai sau. Do vậy, công tác sưu tầm của Bảo tàng trong thời gian qua đã thu được nhiều kết quả đáng khích lệ, góp phần đưa Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế trở thành địa chỉ đáng tin cậy để các tập thể, cá nhân trao tặng các hiện vật, tư liệu, gửi gắm niềm tin, lòng biết ơn của mình đối với lãnh tụ Hồ Chí Minh vĩ đại.
Nhìn khách tham quan đến Bảo tàng đứng trầm ngâm hay cảm động bật khóc khi bắt gặp những hiện vật đơn sơ gần gũi như: chiếc rựa, chiếc cuốc, bầu đựng muối Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi tặng đồng bào A Lưới trong những năm khói lửa chiến tranh; Chân dung của Người họa bằng máy đánh chữ do ông Ngô Mạnh Tiên, một người dân Huế thực hiện từ năm 1975; Chiếc võng, chiếc đèn dầu của những chiến sỹ giải phóng năm xưa. Những lúc như vậy chúng tôi lại thấy trách nhiệm của mình thật lớn lao biết bao.