Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh trong quá trình đi tìm đường cứu nước, cứu dân, từ năm 1911, có một chặng đường hết sức quan trọng, mang nhiều ý nghĩa quyết định. Đó là chặng đường 1924-1941, khi Nguyễn Ái Quốc tìm đường trở về nước. Trên chặng đường này, Người đã vạch ra đường lối, gây dựng tổ chức, đào tạo cán bộ, sáng lập Đảng, lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Rồi khi về tới tổ quốc, Người trực tiếp lãnh đạo phong trào quần chúng, thành lập khu giải phóng Việt Bắc, dẫn tới Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công vĩ đại.
Suốt 30 năm đằng đẵng ở nước ngoài, con đường cứu nước của Bác Hồ có thể chia ra làm 3 chặng lớn:
Từ năm 1911 đến 1919: Bắt đầu từ khi Bác xuống tàu viễn dương La-Tusơ - Trê vilơ ngày 5.6.1911 với tên gọi là Văn Ba. Trên chặng đường này, gót chân của Bác đã từng qua đất Pháp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Ấn Độ, Châu Phi, Mỹ, Anh. Đây là chặng đường Bác Hồ tìm tòi đường đi, nước bước cho con đường giải phóng dân tộc.
Từ năm 1919 đến 1924: Trên chặng đường này, trong điều kiện lịch sử mới, sau Cách mạng tháng Mười Nga, Nguyễn Ái Quốc đã tìm ra con đường cứu nước. Qua việc tiếp thu và học tập chủ nghĩa Mác Lênin, Bác trở thành Đảng viên Đảng cộng sản Pháp, rồi làm một cán bộ trung kiên, xuất sắc của Quốc tế cộng sản, luôn yêu cầu Đảng cộng sản ở các nước đế quốc hãy quan tâm đến cuộc đấu tranh của các dân tộc thuộc địa.
Từ năm 1924 đến 1941: Bắt đầu từ khi Bác Hồ rời Liên Xô đi Trung Quốc. Với vai trò một Ủy viên đoàn Chủ tịch Ban chấp hành quốc tế nông dân, một thành viên của Bộ Phương Đông trong Quốc tế cộng sản, được uỷ thác phụ trách các vấn đề vùng Nam Á, Bác Hồ vừa làm nhiệm vụ quốc tế, vừa lo toan sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Bác Hồ bắt tay vào những công việc cụ thể, tập hợp lực lượng, xây dựng tổ chức, đào tạo cán bộ, vạch đường lối phương châm cho cách mạng Việt Nam. Cuối cùng Bác Hồ trở về tổ quốc, xây dựng chiến khu Việt Bắc, thực hiện thành công mục tiêu cao cả, giành độc lập chủ quyền cho đất nước. Đây chính là “chặng đường về nước” vô cùng quan trọng, mang ý nghĩa quyết định đến vận mệnh Tổ quốc.
“Về nước” - Đó là mục tiêu lớn nhất, luôn luôn đặt ra trước mắt Bác trong suốt chặng đường mở đầu từ năm 1924, một chặng đường đầy phức tạp, có thuận lợi lớn nhưng cũng đầy khó khăn, bất trắc. Ở đây, Bác đã vận dụng nhiều mưu trí, dựa vào quần chúng Việt Kiều, sử dụng cán bộ cốt cán mà Bác đã đào tạo, tranh thủ sự giúp đỡ của Đảng cộng sản và nhân dân Trung Quốc để tranh thủ những điều kiện thuận lợi, vượt qua những khó khăn bất trắc, ứng phó với âm mưu thâm độc của các thế lực phản động...
Cuốn sách “Nguyễn Ái Quốc trên đường về nước” được nhà sử học Thanh Đạm cùng với nhà bảo tàng học Đặng Hoà, sau nhiều năm tích luỹ tư liệu đã dựng lại một cách có hệ thống từng bước đi, từng cảnh ngộ, những vất vả gian lao, những suy tư day dứt sự sáng tạo của Bác Hồ trên chặng đường lịch sử 1924-1941. Cuốn sách được viết dưới bút pháp truyện kể, mang màu sắc văn học nhiều hơn là khảo cứu sử học. Tuy nhiên, đây không phải là tiểu thuyết hư cấu, mà dựa vào những tư liệu đã nghiên cứu, chọn lọc qua “Hồ Chí Minh toàn tập”, qua các tập hồi ký quan trọng, các văn kiện chính thức, các tác phẩm (Hồ Chí Minh - biên niên tiểu sử)...những tư liệu cung cấp của các nhà sử học Việt Nam.
Sách do Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia và Nhà xuất bản Nghệ An ấn hành năm 1994 tại Hà Nội. Dày 200 trang, khổ 13x19cm.
Sách hiện có tại Thư viện Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế.