Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra đời đánh dấu một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập và dân chủ trên toàn lãnh thổ Việt Nam.
Nhưng một nước độc lập phải có nền tài chính độc lập, nước Việt Nam phải có tờ bạc Việt Nam, đó không những là sự khẳng định chủ quyền về kinh tế tài chính và cả về chính trị. Bởi vậy, Trung ương Đảng, chính phủ mà đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh qua nhiều lần nghiên cứu, thảo luận đã quyết định giao cho Bộ Tài chính tổ chức in và phát hành Giấy bạc Tài chính Việt Nam. Đây là một chủ trương lớn, có ý nghĩa vô cùng lớn lao và cực kỳ quan trọng đối với nền tài chính, tiền tệ của đất nước trong công cuộc kháng chiến để bảo vệ nền độc lập, đấu tranh thống nhất nước nhà và sự nghiệp kiến quốc, xây dựng tổ quốc Việt Nam vững bước tiến lên ngày càng giàu mạnh.
Từ những đồng bạc Tài chính ban đầu được ra đời vào năm 1946 cho đến những đồng tiền pôlyme tổng hợp hôm nay là kết quả của cả một quá trình đấu tranh gian khổ nhưng vô cùng anh dũng và cực kỳ vinh quang của cả một dân tộc anh hùng trải dài suốt 60 năm. Bởi “Tiền Bác Hồ, Bạc Cụ Hồ” không chỉ đơn thuần là tiền tệ thông thường, mà còn mang một nội dung lịch sử vô cùng phong phú, sâu sắc về tình cảm và có ý nghĩa lớn lao về chính trị. Giá trị vật chất, giá trị tinh thần, giá trị lịch sử tồn tại đan xen và song hành trong từng đồng tiền đã và đang được đồng bào, cán bộ, chiến sĩ, các tổ chức tài chính sử dụng và cất giữ trong nhiều năm qua. Do vậy, sưu tầm, tìm hiểu, nghiên cứu và giới thiệu “Tiền Bác Hồ” đến với mọi người, nhất là những nhà nghiên cứu, sưu tập là một công việc cần thiết.
Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế sau hơn 35 năm ra đời phát triển, trưởng thành đã và đang là địa chỉ đáng tin cậy trong việc gìn giữ và tuyên truyền giáo dục những di sản Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đất Thừa Thiên Huế. Nhằm giới thiệu một cách có hệ thống và sâu rộng hơn về những tài liệu hiện vật có nội dung phục vụ nghiên cứu, tìm hiểu về Chủ tịch Hồ Chí Minh, đặc biệt là tình cảm gắn bó và sâu sắc của Bác Hồ đối với quân dân Thừa Thiên Huế và ngược lại, chúng tôi chọn lọc, phân loại và sắp xếp những hiện vật đang bảo quản và lưu giữ tại kho Bảo tàng để hình thành nên bộ sưu tập tiền Bác Hồ. Dẫu số lượng hiện vật trong sưu tập không nhiều, nhưng với gần 500 hiện vật gồm tiền và tín phiếu các loại của các vùng miền, thì đây là một bộ sưu tập tiền Bác Hồ đặc biệt quý hiếm, bởi mỗi một đồng tiền trong bộ sưu tập là một hiện vật có lý lịch và nội dung lịch sử vô cùng phong phú và đặc biệt, mang trong đó biết bao dấu ấn lịch sử của mỗi một cá nhân, mỗi một vùng miền của đất nước nói chung và Thừa Thiên Huế nói riêng trong toàn cảnh bức tranh sống và chiến đấu cho độc lập tự do của dân tộc vào nửa sau thế kỷ XX. Điều đặc biệt, ngoài những giá trị to lớn vốn có, bộ sưu tập “Tiền Bác Hồ” còn là một sản phẩm đong đầy bao tấm lòng kính yêu và biết ơn vô hạn của nhân dân Thừa Thiên Huế trong đó có tập thể cán bộ Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế dâng lên Bác Hồ kính yêu.