Thời gian mở cửa: Thứ ba - Chủ nhật

Sáng: 08:00 - 11h30 Chiều: 13:00 - 17:00

Điện thoại: 0234.3845217 - 3822152

Địa chỉ: 07 Lê Lợi, Q.Thuận Hóa, TP.Huế

Nghiên cứu thực trạng và đề xuất các giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị hiện vật tại Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế
11/11/2022
Đọc bài viết:
Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất Việt Nam. Tên tuổi và sự nghiệp của Người trường tồn cùng non sông, đất nước, sống mãi trong lòng dân tộc và bạn bè quốc tế. Thừa Thiên Huế vinh dự và tự hào là mảnh đất có những năm tháng Chủ tịch Hồ Chí Minh và gia đình từng sinh sống, lao động, học tập và tham gia những hoạt động yêu nước trong thời gian 10 năm, trải qua hai giai đoạn: giai đoạn thứ nhất từ năm 1895 đến năm 1901; giai đoạn thứ hai từ năm 1906 đến năm 1909. Ngoài những di tích và địa điểm di tích gắn liền với những năm tháng Chủ tịch Hồ Chí Minh sống ở đây, còn có những kỉ vật thiêng liêng, những tình cảm mà Người giành cho nhân dân Thừa Thiên Huế trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.

Trong giai đoạn hiện nay, khi toàn Đảng, toàn quân và toàn dân đang tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức phong cách Hồ Chí Minh”, thì công tác nghiên cứu các tư liệu, hiện vật về Người là việc làm thiết thực.

Hơn nữa, tìm hiểu về di sản văn hóa Chủ tịch Hồ Chí Minh thông qua các hiện vật tại bảo tàng sẽ làm rõ những giá trị văn hóa to lớn mà Người để lại, sẽ giúp chúng ta có cái nhìn toàn diện và sâu sắc hơn để đưa ra các giải pháp bảo quản và trưng bày nhằm bảo tồn và phát huy giá giá trị di sản Chủ tịch Hồ Chí Minh trên mảnh đất Thừa Thiên Huế

1. Thực trạng hiện vật tại Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế

1.1. Số lượng và phân loại

Số lượng

Hiện vật bảo tàng là di sản văn hóa gồm di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia, các tư liệu về di sản văn hóa phi vật thể đã được vật thể hóa và các mẫu vật tự nhiên, thuộc đối tượng nghiên cứu, sưu tầm, trưng bày, giới thiệu phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và loại hình bảo tàng.

Nghiên cứu hiện vật trong bảo tàng học không phải là nghiên cứu những hiện vật cá biệt, mà là nghiên cứu xem hiện vật bảo tàng được hình thành như thế nào, giá trị nội hàm của hiện vật là gì, làm thế nào để thúc đẩy bảo tồn lâu dài những giá trị nội hàm của hiện vật cũng như quy trình và quy luật của việc không ngừng chuyển hóa chúng thành những giá trị xã hội.

Theo số lượng thống kê tới năm 2016, Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế đang quản lý 15.536 tư liệu, hiện vật, trong đó:

- Tư liệu các loại: 12.440 tư liệu, bao gồm:

+ Tư liệu hồ sơ di tích: 882;

+ Tư liệu nghiên cứu: 1695;

+ Tư liệu triển lãm, ảnh triển lãm: 3561;

+ Tư liệu báo nghiên cứu: 1500;

+ Tư liệu sách thư viện: 3260;

+ Tạp chí các loại: 1542;

-  Hiện vật các loại: 3096 hiện vật, bao gồm:

+ Kho cơ sở: 2893 hiện vật

+ Nhà trưng bày: 136 hiện vật

+ Di tích Nhà lưu niệm 112 Mai Thúc Loan: 41 hiện vật

+ Di tích Nhà lưu niệm Dương Nỗ: 26 hiện vật

- Bảo vật quốc gia: không có

- Số hiện vật đã được kiểm kê khoa học: 2919 hiện vật

- Số hiện vật đã được bảo quản: 2167 hiện vật.

Phân loại hiện vật Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế

Phân loại hiện vật là một việc rất quan trọng đối với hoạt động của bảo tàng. Mục đích của công việc này là để tìm ra các biện pháp bảo quản thích hợp cho từng nhóm hiện vật và đáp ứng yêu cầu sử dụng hiện vật trong công tác trưng bày và tuyên truyền giáo dục của bảo tàng.

Hiện vật thuộc bảo tàng lưu niệm danh nhân có nhiều dạng khác nhau và mang những ý nghĩa khác nhau. Cơ sở phân loại hiện vật theo chất liệu là theo căn cứ vào chất liêụ hiện vật đã được xác định. Những hiện vật có cùng chất liệu, có cấu tạo vật chất tương đối giống nhau thì được phân thành một nhóm. Trên cơ sở phân nhóm này, hiện vật sẽ được bảo quản trong các phòng kho có điều kiện bảo quản chung. Về nguyên tắc mỗi nhóm chất liệu sẽ được để ở một phòng kho riêng.

Hiện vật tại Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế được sưu tầm hết sức phong phú và đa dạng, hiện vật được trưng bày hay đang lưu giữ trong kho cơ sở đều chứa đựng những câu chuyện lịch sử hấp dẫn.

Hiện vật được phân loại theo chất liệu như đồ gốm, đồ gỗ, kim loại, nhựa, sành sứ, vãi, đá

Như vậy, qua nghiên cứu thực trạng hiện vật tại Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế, chúng tôi nhận thấy có một số đặc điểm sau:

Một là: Số lượng hiện vật gốc được lưu giữ và trưng bày ở tầng 2 còn ít so với tổng số hiện vật đang được bảo quản và trưng bày tại đây. Đáng chú ý là số lượng hiện vật gốc tập trung nhiều vào các chất liệu như giấy, đồ dệt, đồ mộc, trong đó chất liệu gỗ được sử dụng nhiều ở di tích Nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở làng Dương Nỗ.

Hai là: Ngoài hiện vật gốc, thì hiện vật đồng thời, hiện vật phục chế ở bảo tàng là khá nhiều. Những hiện vật này ngay từ khi sưu tầm, hay trong quá trình bảo quản, trưng bày khoa học đã có cái còn nguyên vẹn, có cái hư từng bộ phận, có cái hỏng buộc phải phục chế, cũng có khi hiện vật đồng thời được sử dụng để trưng bày bởi tính niên đại đảm bảo.

Ba là: Hiện vật đang trưng bày ở bảo tàng và hai di tích lưu niệm về Người, cũng như đang bảo quản tại kho cơ sở có những dấu hiệu bị hư hỏng, xuống cấp nhất định.

Bốn là: Những năm gần đây, số lượng hiện vật mới sưu tầm để bổ sung cho kho cơ sở đã giảm sút đi rất nhiều.

1.2. Thực trạng công tác bảo tồn và phát huy giá trị hiện vật

Thực trạng công tác bảo tồn giá trị hiện vật

Hiện nay, hiện vật tại Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế được bảo tồn theo 2 biện pháp khác nhau.

Ở biện pháp thứ nhất: Là bảo tồn bằng các hình thức lưu giữ, bảo quản trong kho hiện vật, biện pháp này nhằm gìn giữ hiện trạng bên ngoài của hiện vật, tránh hư hỏng qua thời gian, tác động của các yếu tố môi trường như thời tiết, độ ẩm, côn trùng, bảo quản trong kho cũng tránh mất cắp hiện vật. Biện  pháp bảo tồn này được xem là hướng khép kín, ưu điểm của nó là cùng lúc bảo quản, gìn giữ được nhiều hiện vật, có kích cỡ, chủng loại khác nhau trong cùng một không gian, phù hợp với thực trạng kho bảo quản của đơn vị.

Tuy nhiên, điểm hạn chế của biện pháp bảo tồn này đó là không đáp ứng được các yêu cầu về kho bảo quản như mỗi chủng loại cần có một kho bảo quản riêng, trong khi kho cơ sở bảo tàng lại chật hẹp, các trang thiết bị hiện đại hỗ trợ còn thiếu và chưa đạt chuẩn.

Ở biện pháp bảo tồn thứ hai:  Là bảo tồn bằng cách trưng bày các hiện vật đó ở gian trưng bày cố định tầng 2 và trong các cuộc triển lãm chuyên đề ở tầng 1, hoặc các cuộc triển lãm lưu động bên ngoài bảo tàng. Đây là biện pháp bảo tồn mở của bảo tàng.  Ưu điểm của biện pháp này là cách bảo tồn phổ biến mà nhiều nơi, nhiều lĩnh vực áp dụng, hiệu quả của nó là lưu giữ giá trị hiện vật trong ý thức cộng đồng qua nhiều thế hệ. Nhược điểm của biện pháp này là trung bày cố định nên công tác bảo tồn bằng các biện pháp nghiệp vụ như xông hơi, quét hóa chất lên bề mặt hiện vật, lau chùi, xử lý hóa chất không được tiến hành thường xuyên.

Những năm vừa qua, Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế đã có nhiều nỗ lực, cố gắng trong công tác bảo tồn giá trị các hiện vật, bước đầu đã có những thành tựu đáng ghi nhận. Mặc dù vậy cũng cần nhìn nhận thực tế rằng công tác bảo tồn các giá trị hiện vật chưa đáp ứng tương xứng với số lương hiện vật có trong kho, với yêu cầu ngày càng cao của các cuộc trưng bày, triển lãm.

Thực trạng công tác pháy huy giá trị hiện vật

Bên cạnh công tác bảo tồn là công tác phát huy giá trị hiện vật, bởi lẽ bảo tồn mới chỉ là gìn giữ, còn phát huy lại làm cho các giá trị nội hàm của hiện vật được lan tỏa, rộng khắp. Bảo tồn là nhiệm vụ âm thầm, phía sau lưng, phần chìm của cả một quá trình khoa học, còn phát huy là bề nổi, là cái hướng ngoại của công tác khoa học tại bảo tàng.

Hiện nay, việc phát huy giá trị các hiện vật tại Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế rất được chú trọng, và diễn ra quanh năm bằng nhiều hình thức khá sinh động.

Một là: Phát huy giá trị hiện vật thông qua công tác trưng bày, giới thiệu các giá trị hiện vật tại tầng 2 nhà bảo tàng. Hiện vật được trưng bày với nhiều kích cỡ, chủng loại khác nhau đã làm sinh động cho công tác trưng bày, các giải pháp thẩm mỹ phong phú cũng là một điểm nhấn ở gian trưng bày tầng 2. Tuy nhiên, thực trạng hiện vật gốc, hiện vật có giá trị về niên đại lâu năm được trưng bày là rất ít, hạn chế này làm ảnh hưởng đến chất lượng trưng bày, làm giảm mức độ cuốn hút, sức hấp dẫn với khách tham quan.

Hai là: Phát huy giá trị hiện vật thông qua các triển lãm chuyên đề ngắn hạn tại bảo tàng. Hàng năm, bảo tàng thường tổ chức triển lãm, các bộ sưu tập với nhiều chủ đề khác nhau liên quan đến cuộc đời, tấm gương, tư tưởng, đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào các dịp lễ như 3/2, 30/4, 19/5, 27/7, 23/11, 22/12. Các cuộc triển lãm chuyên đề ngắn hạn tại bảo tàng cơ bản đã làm phong phú, đa dạng các hình thức tuyên truyền, nhằm phát huy có hiệu quả các hiện vật tại bảo tàng.

Ba là: Phát huy giá trị hiện vật thông qua các cuộc triển lãm lưu động tại các địa phương, trường học, tổ chức xã hội trên địa bàn tỉnh. Đây là hình thức tuyên truyền ngắn ngày nhất của bảo tàng. So với hình thức triển lãm tại tầng 1 của bảo tàng thì triển lãm lưu động hàng năm tổ chức không thường xuyên bằng, số lượng hiện vật, quy mô dàn dựng cũng nhỏ hơn. Hình thức này phù hợp khi đến với những vùng sâu, xa, không có điều kiện đến với bảo tàng thường xuyên, nên nó cũng có tác dụng và vẫn được bảo tàng duy trì trong thời gian qua. Mặc dù vậy, hình thức phát huy giá trị hiện vật này cũng bộc lộ những hạn chế như; thời gian tuyên truyền quá ngắn, hiện vật sử dụng thường là các hiện vật đồng thời, hiện vật phục chế, do đi xa nên việc vận chuyển hiện vật cũng gặp những trở ngại, làm ảnh hưởng đến chất lượng của cuộc triển lãm.

Như vậy, qua nghiên cứu thực tế, có thể thấy rằng công tác phát huy giá trị hiện vật tại Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế thời gian qua đã được tập thể lãnh đạo, viên chức bảo tàng nỗ lực phấn đấu rất nhiều nhằm phát huy ngày một hơn nữa những giá trị di sản Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại cho Huế. Những nỗ lực đó là rất đáng ghi nhận, là thành quả của sức lao động bền bỉ, với tâm huyết cống hiến cho công việc. Tuy nhiên, chúng ta thấy, các hình thức phát huy này đã được sử dụng từ những ngày đầu bảo tàng thành lập, bảo tàng chưa có các biện pháp tuyên truyên mới, đáp ứng hơn nữa yêu cầu ngày một cao của xã hội.

2. Giải pháp bảo tồn các giá trị hiện vật Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế

2.1. Giải pháp bảo tồn giá trị hiện vật

-  Giải pháp nguồn nhân lực

Từ thực trạng nguồn nhân lực trực tiếp làm công tác bảo tồn và phát huy giá trị hiện vật tại Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế hiện nay, chúng tôi xin nêu ra một số biện pháp cụ thể để nâng cao năng lực công tác của cán bộ nhân viên ở bảo tàng như sau:

- Đối với cán bộ nghiệp vụ làm công tác sưu tầm hiện vật, nên tăng thêm số lượng cán bộ sưu tầm, có thể thường trực từ 4 đến 5 người, hoặc là tăng số lượng cho các đợt sưu tầm trong năm, nhằm phát huy hơn nữa năng lực của cán bộ, số lượng người đông thì có thể mở rộng địa bàn sưu tầm, hiệu quả của công tác này sẽ tăng lên..

- Đối với cán bộ kho cơ sở và nghiệp vụ trưng bày hiện vật, nên gửi cán bộ kho cơ sở đi học các lớp về thư viện, lưu trữ, bên cạnh đó cũng yêu cầu phải có kiến thức về bảo quản hiện vật bằng hóa chất.

- Đối với cán bộ thuyết minh, lãnh đạo đơn vị cần phối hợp với Khoa Du lịch (Đại học Huế), Trường Cao Du lịch Huế tổ chức định kỳ các khóa bồi dưỡng nghiệp vụ, đào tạo lại kỹ năng thuyết minh, tạo điều kiện cho cán bộ hằng năm có cơ hội tham dự các hội nghị, hội thảo chuyên môn do Bảo tàng Hồ Chí Minh Trung ương tổ chức nhằm trau dồi kỹ năng, đúc rút kinh nghiệm hướng dẫn.

- Áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật

Các biện pháp cụ thể: Xây mới hoặc trùng tu lại kho cơ sở theo tiêu chuẩn với đầy đủ các thiết bị chuẩn hiện đại, các giá kệ bằng Inox thay cho gỗ để tránh mối mọt.

Thiết kế phần mềm số hóa thông tin tư liệu hiện vật, thư viện số hóa các sách báo có nội dung chọn lọc.

Cần phối hợp chặt chẽ với Khoa Hóa của 2 Trường Đại học Sư phạm Huế và Đại học Khoa học Huế để thường xuyên sử dụng các hóa chất mới nhất nhằm bảo quản hiện vật tốt hơn, thường xuyên thay vì định kỳ như hiện nay.

2.2 Giải pháp phát huy

- Gắn với bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống

Di sản văn hóa Hồ Chí Minh là một thành tố cấu thành bản sắc văn hóa Huế, và chính trong “môi trường văn hóa” đó, những tinh hoa văn hóa Hồ Chí Minh càng có nhiều cơ hội để tỏa sáng, bền chặt và truyền thụ cho đời sau.

Các biện pháp cụ thể: Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế cần tham mưu cho lãnh đạo Tỉnh, Sở Văn hóa và Thể thao tổ chức các chương trình như tìm hiểu lịch sử văn hóa quê hương, lồng ghép nội dung về thời niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Thừa Thiên Huế; Phát động các cuộc thi sáng tác thơ, văn, nhạc, điêu khắc, nghệ thuật khác về Chủ tịch Hồ Chí Minh.

- Gắn với Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”

Các biện pháp cụ thể: Liên kết chặt chẽ hơn nữa với ngành giáo dục tỉnh nhà trong việc phối hợp tuyên truyền giáo dục về lịch sử dân tộc, lịch sử địa phương, về danh nhân Hồ Chí Minh trong các tiết học chính khóa, ngoại khóa.

Phối hợp với Ban chỉ đạo các cấp thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở các cấp như phường, xã, huyện, thành phố, cho đến tỉnh. Những đối tượng tham gia không chỉ là cán bộ công nhân viên chức mà phải mở rộng ra như thanh niên, phụ nữ, hội nông dân, hưu trí, cựu chiến binh.

Bảo tàng hàng tuần, hay tháng nên thông qua website bthcmthuathienhue.gov.vn đưa ra các câu hỏi có thưởng về các hiện vật bảo tàng, hay thông qua các kênh truyền thông như TRT, VTV8 để đưa ra các hình thức tuyên truyền khác nhau sẽ mang lại hiệu quả cao hơn.

- Gắn với các hoạt động du lịch

Để lồng ghép các di sản văn hóa Hồ Chí Minh vào phát triển du lịch Huế, chúng tôi xin nêu một vài giải pháp như:

Sửa chữa lại các bia, biển chỉ dẫn đã cũ, hư hỏng ở các nơi công cộng. Song song đó là đặt mới các bia, biển chỉ dẫn, pano, áp phích mới có nội dung súc tích, hình thức thẩm mỹ cao ở nhiều nơi như sân bay, ga tàu, bến xe nhằm gây được sự chú ý ngay từ đầu khi du khách mới đặt chân đến Huế.

Liên kết với các công ty, doanh nghiệp lữ hành trong và ngoài tỉnh để xây dựng các tour tuyến tham quan. Lượng khách đến với Huế tăng lên theo từng năm, tuy nhiên trong các tour tuyến tham quan thiết kế cho du khách, rất ít nhà cung cấp dịch vụ tại Huế lồng ghép bảo tàng và các di tích lưu niệm về Người như là một sản phẩm du lịch. Nếu chúng ta kết nối các tuyến tham quan như Đại Nội - Lăng tẩm nhà Nguyễn - bảo tàng, nhà lưu niệm Bác Hồ - phá Tam Giang - biển Thuận An… thì đây sẽ là một hành trình khám phá, tìm hiểu đầy tính nhân văn mà du khách cũng được thư giãn nghỉ ngơi.

KẾT LUẬN

Di sản Hồ Chí Minh để lại trên vùng đất này không chỉ là khoảng thời gian sinh sống mà còn là tình cảm của Người dành cho Huế trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ xâm lược. Với hơn 15.536 tư liệu, hiện vật liên quan đến Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế đang gìn giữ, bảo tồn và phát huy một khối lượng hiện vật đồ sộ, có giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống, tinh thần to lớn.

 

ThS. Lê Văn Cường
HTKH "Đổi mới trưng bày Bảo tàng và Di tích trong giai đoạn hiện nay" 11/2018