Chiều 14/1, tại hội trường khách sạn White Lotus, Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Huế đã tổ chức Hội nghị triển khai công tác năm 2025. Tại hội nghị, đơn vị đã thông tin về các hoạt động và một số kết quả nổi bật trong năm 2024. Theo đó, năm qua đánh dấu những thành công của ngành Văn hóa và Thể thao trong triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của TP Huế nói chung và của ngành nói riêng.
Với mục tiêu trọng tâm hướng đến là xây dựng thành phố Huế xứng tầm là trung tâm văn hóa du lịch đặc sắc, trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế, năm 2024, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ngành Văn hóa và Thể thao đã không ngừng nỗ lực, vượt qua khó khăn, tham mưu triển khai hiệu quả công tác quản lý nhà nước và tổ chức thành công nhiều lễ hội, các hoạt động biểu diễn nghệ thuật, trưng bày, triển lãm, thể dục thể thao, hoàn thành tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội năm 2024.

Trong năm 2024, Sở đã phối hợp tổ chức thành công Festival Huế 2024 với chủ đề "Di sản Văn hóa với hội nhập và phát triển". Các hoạt động của Festival kéo dài suốt 4 mùa trong năm đã góp phần tôn vinh, quảng bá những giá trị đặc sắc của văn hóa Huế và văn hóa Việt Nam. Khai thác thế mạnh về danh thắng, các loại hình lễ hội, du lịch, sự kiện văn hóa, thể thao để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, khẳng định thương hiệu thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam.
TP Huế cũng được vinh danh danh lọt vào Top 10 địa phương dẫn đầu Chỉ số thu hút đoàn làm phim và môi trường sản xuất phim tại Việt Nam (Production Attraction Index - PAI). Đây là kết quả của việc triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển công nghiệp văn hóa trong chiến lược xây dựng và phát triển TP Huế là trung tâm văn hóa, du lịch lớn, đặc sắc của cả nước và khu vực Đông Nam Á, trong đó có mục tiêu đưa TP Huế trở thành phim trường tự nhiên lớn nhất của Việt Nam.
Bên cạnh đó, TP Huế có thêm 3 di sản văn hóa phi vật thể được Bộ VHTTDL đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia gồm: Tri thức May và Mặc áo dài Huế, Lễ hội điện Huệ Nam và Nghề làm bún Vân Cù. Qua đó, nâng số di sản văn hóa phi vật thể của địa phương được đưa vào danh mục lên con số 6 (trước đó có Di sản ca Huế, nghề Dệt Dèng của đồng bào A Lưới và Lễ mừng cơm mới A Da Koonh của người Pa Cô).

Năm 2024, TP Huế được đánh giá cao khi tổ chức thành công Liên hoan Múa quốc tế với sự tham dự của 17 đơn vị nghệ thuật đại diện cho 9 quốc gia. Thông qua Liên hoan Múa đã góp phần thúc đẩy mối quan hệ hợp tác trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật giữa Việt nam và các vùng lãnh thổ, quốc gia trên thế giới.
Ngày hội Thể thao vì sức khỏe cộng đồng "Hue Sports Festival 2024" được tổ chức với hơn 10 bộ môn đã thu hút đông đảo các vận động viên chuyên nghiệp cũng như phong trào tham gia, để lại nhiều ấn tượng trong lòng người dân và du khách. Ngày hội diễn ra đã góp phần phát triển phong trào tập luyện thể dục thể thao ở mọi đối tượng, lứa tuổi và làm phong phú thêm đời sống văn hóa tinh thần cho quần chúng nhân dân, tạo điều kiện kích cầu phát triển du lịch.
Cũng trong năm qua, thể thao thành tích cao TP Huế tiếp tục ghi dấu sự phát triển vượt bậc. Các đoàn VĐV tham gia thi đấu các giải khu vực, quốc gia, quốc tế đạt được 582 huy chương các loại: 157 HCV, 152 HCB, 273 HCĐ (vượt 182 huy chương so với chỉ tiêu đặt ra). Đây cũng là năm mà thể thao TP Huế tiếp tục khẳng định vị thế, khả năng trong công tác tổ chức các giải thể thao quy mô quốc gia, quốc tế, góp phần quảng bá văn hóa, du lịch.

Trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, năm 2024, ngành Văn hóa và Thể thao đã hướng dẫn các địa phương, đơn vị lập thủ tục đầu tu bổ, tôn tạo 10 di tích với nguồn vốn gần 13 tỷ đồng (trong đó vốn xã hội hóa trên 2,6 tỷ đồng). Tiến hành thẩm định, báo cáo nghiên cứu khả thi, báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư nhiều dự án tu bổ, phục hồi và phát huy các giá trị di tích thuộc Quần thể Di tích Cố đô Huế.
Đã có 7 di tích được xếp hạng di tích cấp tỉnh, nâng tổng số di tích cấp tỉnh lên 101 di tích. Địa phương đã trình đề nghị xếp hạng 5 di tích cấp tỉnh, 3 di tích cấp quốc gia. Phối hợp với Bảo tàng Lịch sử Quốc gia triển khai công tác khai quật khảo cổ tại di tích tháp đôi Liễu Cốc. Thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ công nhận Bảo vật quốc gia cho 4 hiện vật, nhóm hiện vật: Chuông Ngọ Môn thời Minh Mạng, Phù điêu thời Minh Mạng, Tượng rồng thời Thiệu Trị, Ngai hoàng đế Duy Tân…

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Nguyễn Thanh Bình ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực, thành quả của ngành văn hóa, thể thao. Những thành quả đó đã góp phần lớn trong công cuộc đưa Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương; đồng thời đề nghị ngành văn hóa, thể thao phải nỗ lực hơn nữa; đặc biệt chú trọng xây dựng chương trình chiến lược, phát triển công nghiệp văn hóa, đóng góp vào tăng trưởng trong phát triển kinh tế xã hội. Chú trọng nhân lực cho ngành văn hóa, trong đó phải có chuyên gia, người làm chuyên môn. Ngoài ra, lưu ý với những vướng mắc cần phải đề xuất cơ chế, chính sách để tháo gỡ…
Năm 2025, ngành Văn hóa và Thể thao quyết tâm triển khai kịp thời, hiệu quả, hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu, nhiệm vụ đã đề ra, góp phần thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2025 và giai đoạn 2021 - 2025, đóng góp vào công cuộc xây dựng và phát triển thành phố Huế trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế, xây dựng thành phố Huế xứng tầm là trung tâm Văn hóa du lịch đặc sắc của cả nước và khu vực.
Nguồn: Sở Văn hóa và Thể thao