Chủ tịch Hồ Chí Minh sinh ra và lớn lên tại quê hương Nghệ An, nhưng thời niên thiếu của Người đã có những tháng năm gắn bó với mảnh đất Thừa Thiên Huế (1895-1901 và 1906-1909). Không những thế, mười năm đó là khoảng thời gian đặc biệt có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự hình thành nhân cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh, như nhận xét của cố thủ tướng Phạm Văn Đồng: “Thời gian ở Huế là thời gian Nguyễn Tất Thành lớn lên và bắt đầu đi học. Những năm tháng đó là thời gian cực kỳ quan trọng đối với sự hình thành con người Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh”[1] .
Mười năm thăng trầm của Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng gia đình trên đất Huế đã để lại một hệ thống khoảng 20 di tích, địa điểm di tích về Người mà Đảng bộ và nhân dân Thừa Thiên Huế đang trân trọng gìn giữ và phát huy giá trị. Bảo tàng Hồ Chí Minh là đơn vị trực tiếp quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị của hệ thống di tích này.
Để phát huy giá trị hệ thống di tích lưu niệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên địa bàn, Bảo tàng đã rất quan tâm đến công tác nghiên cứu khoa học, tuyên truyền và giáo dục, đây chính là hoạt động để đưa Bảo tàng và các di tích lưu niệm về Người đến gần hơn với đông đảo công chúng, tạo nên thói quen đến với Bảo tàng của các tầng lớp nhân dân. Từ ngày đầu mới thành lập, Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế đã rất chú trọng đến chức năng này, thể hiện qua công tác trưng bày các hình ảnh, tư liệu, hiện vật. Phần không gian của Bảo tàng đã được thiết kế để tổ chức công tác trưng bày cố định (tại tầng 2) và trưng bày triển lãm chuyên đề (tại tầng 1).
Bên cạnh công tác trưng bày tại Bảo tàng và các di tích, 35 năm qua, Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế đã duy trì và tăng cường công tác triển lãm lưu động, mỗi năm đều có từ 5 - 7 đợt. Các cuộc triển lãm lưu động đã mang các hình ảnh, hiện vật, phim tư liệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh đến với đồng bào, học sinh và chiến sĩ ở vùng sâu, vùng xa. Thời điểm diễn ra các đợt triển lãm lưu động thường gắn với các ngày lễ lớn của dân tộc: Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh 19 - 5, ngày thành lập Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh 26 - 3, ngày Thương binh liệt sĩ 27 - 7, ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam 22 - 12, dịp bầu cử Quốc hội, các kỳ Đại hội Đảng các cấp, ngày hội văn hóa đồng bào các dân tộc thiểu số...
Tích cực hưởng ứng Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” do Bộ Chính trị Trung ương Đảng phát động ngày 3/2/2007, Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục đẩy mạnh việc Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; thiết thực hưởng ứng phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” của ngành giáo dục trong việc giáo dục học sinh có ý thức bảo tồn và phát huy các giá trị lịch sử văn hóa trên địa bàn, đặc biệt là các giá trị di sản về Chủ tịch Hồ Chí Minh; mặt khác để đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền giáo dục của Bảo tàng, dưới sự chỉ đạo của Ban Giám đốc, phòng Tuyên truyền hướng dẫn Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế đã xây dựng thêm một hình thức tuyên truyền mới: Tuyên truyền lưu động.
Kịch bản mỗi chương trình tuyên truyền lưu động gồm có 3 phần: Thuyết minh phim với chủ đề "Theo chân Bác", Tổ chức tìm hiểu về thân thế, sự nghiệp Chủ tịch Hồ Chí Minh và chiếu một phim ngắn về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thời lượng chương trình khoảng 120 phút. Đối với đối tượng học sinh nhỏ tuổi, giữa các phần thi cán bộ Bảo tàng lồng ghép vào đó những trò chơi vận động, tiết mục văn nghệ tăng thêm sự hào hứng, tránh mệt mỏi cho các em. Tùy theo đối tượng mà có sự điều chỉnh hoặc cắt giảm các phần cho phù hợp.
Để phục vụ công tác tuyên truyền lưu động, Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế đã xây dựng kịch bản thước phim “Theo chân Bác”. Nội dung giới thiệu cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong đó tập trung phần mười năm Người và gia đình sống, lao động và học tập trên đất Huế; phim cũng giới thiệu khá đầy đủ về Bảo tàng và hệ thống các di tích, địa điểm di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đất Thừa Thiên Huế. Hình ảnh phim lấy từ những thước phim về Chủ tịch Hồ Chí Minh của Xí nghiệp phim Quân đội và Hãng phim Tư liệu Khoa học Trung ương, kết hợp cùng những hình ảnh do Bảo tàng trực tiếp quay tại Bảo tàng và các di tích, địa điểm di tích. Phim không có lời bình được lồng tiếng sẵn, lời bình phim sẽ được các thuyết minh viên của Bảo tàng tùy theo đối tượng khán giả mà có phần thuyết minh phù hợp. Đây là điểm sáng tạo, linh động của Bảo tàng nhằm tạo sự mới mẻ, hứng thú với khán giả, khác hẳn với xem các phim tư liệu thông thường. Mặt khác cũng tránh sự nhàm chán, luôn kích thích sự tìm tòi, đổi mới nội dung thuyết minh cho thuyết minh viên.
Bên cạnh đó, Bảo tàng cũng xây dựng phần Tìm hiểu về thân thế, sự nghiệp Chủ tịch Hồ Chí Minh, gồm có hai phần nhỏ: Phần Nhận diện di sản gồm những hình ảnh hiển thị trên máy chiếu, người chơi trả lời đáp án là tên gọi, địa điểm của các di tích; phần Tìm hiểu thân thế, sự nghiệp Chủ tịch Hồ Chí Minh gồm những câu hỏi, thi trắc nghiệm và giải ô chữ, qua đó người tham gia chơi được củng cố lại những kiến thức đã được truyền đạt qua tư liệu phim "Theo chân Bác". Đội chơi thắng cuộc sẽ nhận được những phần quà ý nghĩa, đặc biệt là những quyển sách về thời niên thiếu Bác Hồ ở Huế rất được các em học sinh yêu thích.
Giữa các phần chơi của các đội chơi, Bảo tàng cũng thiết kế thêm phần chơi dành cho khán giả, tạo không khí sôi nổi vui tươi cho các em.
Sau cùng, xem một thước phim ngắn về Chủ tịch Hồ Chí Minh, các em học sinh sẽ được lắng đọng với những hình ảnh tư liệu chân thực về Bác, được cảm nhận sự vĩ đại, cao cả mà hết sức gần gũi, bình dị của Người.
Với thời lượng 120 phút, truyền tải các nội dung tuyên truyền tương đương ba tiết học giúp các học sinh tiếp nhận đầy đủ các thông tin mà Bảo tàng đưa ra. Hình thức tuyên truyền mới này thực sự phù hợp với các đối tượng học sinh trên địa bàn Thừa Thiên Huế, bởi nó vừa kết hợp giữa giáo dục khoa học, vừa vui chơi tìm hiểu, chương trình xây dựng công phu, tỉ mỉ nhưng khi truyền tải lại khá nhẹ nhàng, phù hợp với tâm lý học sinh. Lần đầu tiên có một Bảo tàng đã đến gần hơn với các em, các em được học lịch sử một cách nhẹ nhàng, dễ nhớ, tươi vui, tự nhiên.
Thời gian tới, Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền lưu động kết hợp với triển lãm lưu động để tiết kiệm kinh phí, phát huy ưu điểm của mỗi hình thức tuyên truyền. Có thể chiếu và thuyết minh tư liệu phim "Theo chân Bác" qua các buổi nói chuyện đầu tuần tại trường học, khai mạc các kỳ họp, tổng kết, sinh hoạt chi bộ, câu lạc bộ, phối hợp với chi đoàn phòng cảnh sát giao thông trong tuyên truyền an toàn giao thông ở các đơn vị, trường học...
Tuyên truyền lưu động chính là một hình thức tuyên truyền mới góp phần nâng cao chất lượng tuyên truyền, giới thiệu sâu về cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đặc biệt là phát huy giá trị di sản quý giá của Người trên đất Huế - điều mà không một tỉnh thành nào trên cả nước có được.
Bản thân chúng tôi - những người trực tiếp thực hiện các cuộc tuyên truyền lưu động đến các trường học, đơn vị trên địa bàn Tỉnh luôn cố gắng học hỏi, trau dồi kiến thức kỹ năng cần thiết để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Sau mỗi chuyến đi, trong lòng chúng tôi đọng lại những kỷ niệm, dấu ấn khó phai và càng thêm tự hào về công việc mình đảm nhận - công việc đưa hình ảnh Bác Hồ đến với nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ.
Nguyễn Thị Minh Toán - Nguyễn Thị Vân Quỳnh (Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế)
[1] Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế (2013), Di tích - Địa điểm di tích lưu niệm Bác Hồ và gia đình Người ở Thừa Thiên Huế, Nxb Thuận Hóa, Huế, tr. 10.