Thời gian mở cửa: Thứ ba - Chủ nhật

Sáng: 08:00 - 11h30 Chiều: 13:00 - 17:00

Điện thoại: 0234.3845217 - 3822152

Địa chỉ: 07 Lê Lợi, Q.Thuận Hóa, TP.Huế

Suy nghĩ về một số giải pháp nhằm phát huy giá trị Bảo tàng và các Di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trong phát triển du lịch ở Thừa Thiên Huế
07/02/2018
Đọc bài viết:
Theo thống kê, cả nước hiện có hơn 685 di tích và điểm di tích liên quan đến Chủ tịch Hồ Chí Minh ở 35 tỉnh thành phố, có 39 di tích đã được công nhận là di tích lịch sử - văn hoá cấp Quốc gia, trong đó có 5 di tích được công nhận là di tích Quốc gia đặc biệt. Trong những năm qua, các di tích lưu niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh có vai trò hết sức quan trọng trong việc tuyên truyền, giới thiệu về thân thế sự nghiệp Chủ tịch Hồ Chí Minh. Mỗi di tích là trường học trực quan sinh động, thiết chế văn hoá đặc thù mang lại hiệu quả thiết thực trong các hoạt động kinh tế, văn hoá - xã hội, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân, góp phần vào việc giáo dục truyền thống yêu nước, đạo đức cách mạng, phong cách lối sống cho thế hệ trẻ Việt Nam.

Ngoài những giá trị to lớn về văn hoá, lịch sử, hệ thống di tích về Bác Hồ là tài nguyên vô giá có vai trò thúc đẩy phát triển du lịch ở nước ta. Các di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh với ý nghĩa văn hoá, tư tưởng sâu sắc đã trở thành những điểm du lịch tham quan đặc biệt quan trọng có sức thu hút khách du lịch rất lớn.

Ở Thừa Thiên Huế hiện có đến 20 di tích và địa điểm di tích có liên quan và ảnh hưởng trực tiếp đến Chủ tịch Hồ Chí Minh trong những năm tháng Người và gia đình sống ở Huế. Cũng như các di tích trong hệ di tích lưu niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh trên địa bàn cả nước, các di tích, điểm di tích Bác Hồ ở Huế có một ý nghĩa lịch sử vô cùng quan trọng, bởi nơi đây đã in đậm dấu ấn thời niên thiếu và trưởng thành của vị lãnh tụ thiên tài Hồ Chí Minh. Cùng với Bảo tàng Hồ Chí Minh, hiện nay hệ thống di tích và điểm di tích Bác Hồ ở Huế đang phát huy tốt chức năng giáo dục truyền thống cho cán bộ, nhân dân, học sinh, sinh viên trên địa bàn Tỉnh. Tuy nhiên, trong công tác gắn phát huy giá trị di sản Hồ Chí Minh với du lịch vẫn còn nhiều hạn chế. Trong các Tour du lịch đến Huế thì lượng khách đến với Bảo tàng và các di tích thời niên thiếu của Người ở Huế còn quá khiêm tốn, vài năm trở lại đây chỉ dừng lại ở con số trên 120 nghìn lượt khách/năm, trong đó quần thể di tích Cố đô Huế năm 2013 đã đón 2 triệu lượt, năm 2014: đón 2,2 triệu lượt khách tham quan trong và ngoài nước. 

Với đặc thù Huế là nơi đang sở hữu hai Di sản văn hóa Thế giới mà đặc biệt là Quần thể di tích Cố đô Huế nổi tiếng với những công trình kiến trúc và ý nghĩa lịch sử. Khách du lịch trong và ngoài nước đến Huế hầu hết chỉ biết đến Đại Nội và các lăng tẩm triều Nguyễn. Rất ít người biết Huế còn là nơi lưu giữ các di tích quan trọng về thời niên thiếu Bác Hồ ở Huế. Đây cũng chính là nguyên nhân khách quan tạo nên những khó khăn trong việc thu hút khách khách du lịch thập phương đến với Bảo tàng Hồ Chí Minh và hệ thống các di tích thời niên thiếu của Người.

Mặt khác, trưng bày tại Bảo tàng còn chậm đổi mới, chưa phù hợp với xu thế phát triển của thời đại, hiện vật trưng bày không phong phú. Ở các di tích còn rất đơn điệu, không có các hình thức trưng bày bổ trợ đi kèm ngoại trừ ngôi nhà ở Dương Nỗ. Tình trạng về môi trường ở một số điểm di tích không đảm bảo như (Đình Làng Dương Nỗ, Bến Đá, Sông Phổ Lợi…)…Đội ngũ thuyết minh viên, những người dẫn dắt, kể chuyện về Bác Hồ thì đang còn hạn chế về kỹ năng mềm, chưa thu hút, tạo ấn tượng mạnh cho khách tham quan. Các nhà quản lý cũng chưa quan tâm nhiều đến nhu cầu và thị hiếu của khách du lịch, chưa có chiến lược gắn kết với các hoạt động du lịch trên địa bàn. Đây cũng chính là những rào cản lớn trong việc phát huy các giá trị di sản Chủ tịch Hồ Chí Minh trong việc phát triển du lịch ở Thừa Thiên Huế.

Chính vì vậy, cần tìm ra những giải pháp tích cực để phát huy mạnh mẽ giá trị của di tích và làm sao Bảo tàng và các di tích của Bác thực sự trở thành những điểm tham quan hấp dẫn của nhiều du khách trong nước và quốc tế. Để đạt được những điều mong muốn đó, theo chúng tôi thấy cần lưu ý một số điểm sau đây:

Xây dựng nội dung và hình ảnh điểm đến, gắn với việc quảng bá về các di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trong chiến lược phát triển du lịch của Thừa Thiên Huế. Hiện nay trong việc giới thiệu tour, hầu như không có tour tham quan Huế nào của các công ty lữ hành có điểm đến là Bảo tàng Hồ Chí Minh và các di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Huế. Vấn đề quảng bá cũng chưa được quan tâm. Việc xây dựng nội dung và xây dựng điểm đến, gắn với việc quảng bá về Bảo tàng và các di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh có ý nghĩa rất quan trọng nhằm thu hút du khách đến tham quan du lịch.

Để thực hiện tốt việc quảng bá về các di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trong chiến lược phát triển du lịch của tỉnh, Bảo tàng Hồ Chí Minh và các phòng ban quản lý về du lịch, Trung tâm Xúc tiến và thông tin Du lịch và các doanh nghiệp du lịch cần phải phối hợp, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng, xây dựng các tour du lịch gắn với các di tích lưu niệm về Bác Hồ, xây dựng website liên kết giữa các điểm di tích để cung cấp thông tin cho khách du lịch, đồng thời chú trọng xây dựng những sản phẩm dịch vụ du lịch gắn với nội dung của mỗi di tích và nét đặc trưng độc đáo, đặc thù của từng địa phương như: quà tặng, và các dịch vụ khác ... để thu hút khách du lịch đến tham quan. Cần liên kết các điểm di tích liên quan đến Chủ tịch Hồ Chí Minh để xây dựng một chương trình du lịch chuyên đề hoặc có sự kết hợp giữa các di tích này với các điểm tham quan, giải trí, nghỉ dưỡng khác trên địa bàn Tỉnh để xây dựng thành một tour du lịch tổng hợp có sức thu hút du khách. Cần tăng cường quảng bá, xúc tiến hình ảnh của các di tích về Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng nhiều hình thức khác nhau, như trên các trang web thông tin hình ảnh, hội thảo gắn với các di sản văn hóa của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó cần nghiên cứu nhu cầu khách tham quan ở các bảo tàng, tổ chức điều tra thị hiếu khách tham quan, xác định rõ đối tượng chính du khách đến bảo tàng và hệ thống các di tích để mở rộng thị trường và có kế hoạch xúc tiến du lịch.   

Nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ hướng dẫn nhằm phục vụ phát triển du lịch của tại các di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nâng cao trình độ hướng dẫn viên tại Bảo tàng và các di tích lưu niệm chủ tịch Hồ Chí Minh là một nhiệm vụ quan trọng của Bảo tàng Hồ Chí Minh hiện nay. Đây là một yêu cầu thiết yếu để phát huy giá trị của di sản về Chủ tịch Hồ Chí Minh trong chiến lược phát triển du lịch tỉnh nhà. Trong những năm qua, đội ngũ hướng dẫn, thuyết minh của Bảo tàng đã được quan tâm bồi dưỡng nâng cao về chuyên môn. Tuy nhiên, thực tế vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu và nhiệm vụ đặt ra đối với sự phát triển. Chất lượng cán bộ thuyết minh chưa đồng đều, trình độ chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ hướng dẫn còn chưa đáp ứng được nhu cầu của khách tham quan, khả năng ngoại ngữ còn hạn chế.  Vì vậy, để xây dựng và nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ có trình độ, năng lực thực sự để đáp ứng được nhiệm vụ, trước hết cần phải nâng cao chất lượng việc tuyển dụng cán bộ đồng thời phải xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng gắn với việc quy hoạch cán bộ cho các di tích lưu niệm về Bác Hồ. Ngoài ra cần quan tâm, chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ thuyết minh viên tại các điểm di tích, bồi dưỡng trang bị những kiến thức, kỹ năng và nghiệp vụ cho đội ngũ thuyết minh viên, hướng dẫn viên đặc biệt là trình độ ngoại ngữ, cập nhật thông tin tư liệu mới về tiểu sử, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhất là tư tưởng và tấm gương đạo đức của Người. Bên cạnh đó xây dựng nhiều đề cương hướng dẫn phù hợp với từng đối tượng khách tham quan, tránh sự nhàm chán, đơn điệu với khách. 

Bên cạnh việc nâng cao trình độ chuyên môn cho các thuyết minh viên, hướng dẫn viên cần chú trọng công tác giáo dục bồi dưỡng đạo đức nghề nghiệp, bản lĩnh chính trị. Đây là nhiệm vụ rất cần thiết nhất là trong giai đoạn hiện nay. Hình ảnh điểm đến có để lại ấn tượng tốt hay không trong lòng du khách, đều có sự tác động về mặt ý thức chính trị của thuyết minh viên và hướng dẫn viên, nhất là tại các di tích lưu niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Do đó việc giáo dục bồi dưỡng về đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ thuyết minh viên là một việc làm thường xuyên, đó là một giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ hướng dẫn viên, thuyết minh tại Bảo tàng và các Di tích lưu niệm về Bác.

Nâng cao ý thức bảo vệ môi trường tại các di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ý thức bảo vệ môi trường khu vực di tích là yêu cầu quan trọng và cần thiết trong phát triển du lịch. Hiện nay tại một số điểm di tích như Đình làng Dương Nỗ, Bến đá, Am Bà và cảnh quan liên quan trực tiếp đến di tích là dòng sông Phổ Lợi đang có nguy cơ bị ô nhiễm. Tình trạng người dân vứt rác, buôn bán ngay tại điểm di tích Đình Làng Dương Nỗ, hay cảnh rác thải trên dòng sông Phổ Lợi đã tạo nên một ấn tượng không tốt cho khách tham quan. Với đặc điểm các di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh hầu hết là nằm sát cạnh nhà dân, thực tế chưa có sự lấn chiếm di tích nhưng những hiện tượng xây dựng tường rào kiên cố của nhà dân gần sát với di tích phần nào cũng đã ảnh hưởng đến cảnh quan di tích.

Vì vậy, việc nâng cao ý thức để người nhận thức đúng vấn đề này cần phải có sự tuyên truyền vận động và quán triệt từ ở cơ sở tổ dân phố, phường, xã nơi có các di tích. Việc bảo vệ, bảo tồn môi trường cảnh quan không chỉ đối với cảnh quan khu vực nơi có các di tích lưu niệm về Bác mà còn mở rộng ranh giới bảo tồn di tích đối với khu vực lân cận di tích nhằm phát huy giá trị của di tích hấp dẫn khách du lịch, vừa quản lý, bảo vệ cảnh quan, góp phần gìn giữ bền vững di tích và đó cũng là góp phần vào việc phát triển du lịch bền vững tại các di tích lưu niệm Hồ Chí Minh

Bảo tàng và hệ thống các di tích lưu niệm Chủ tích Hồ Chí Minh tại Thừa Thiên Huế là nguồn tài nguyên du lịch vô giá. Tuy vậy việc phát huy tác dụng các di tích lưu niệm về Bác để phục vụ phát triển du lịch vẫn còn những tồn tại, chưa phát huy hết tiềm năng du lịch tại hệ thống các di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh. Vì vậy cần phải có những định hướng và những giải pháp đồng bộ, phải có sự phối hợp đầy trách nhiệm của các cơ quan chức năng nhằm khai thác những thế mạnh và tiềm năng của các di tích lưu niệm thời niên thiếu của Bác Hồ trong xu thế phát triển chung của du lịch Thừa Thiên Huế hiện nay.

ThS. Lê Thùy Chi - Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế