Thời gian mở cửa: Thứ ba - Chủ nhật

Sáng: 08:00 - 11h30 Chiều: 13:00 - 17:00

Điện thoại: 0234.3845217 - 3822152

Địa chỉ: 07 Lê Lợi, Q.Thuận Hóa, TP.Huế

Bảo tồn Hệ thống Di tích và địa điểm di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Thừa Thiên Huế trong giai đoạn hiện nay
06/02/2018
Đọc bài viết:
Trong cuộc đời bôn ba hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sống ở rất nhiều nơi trong nước và trên thế giới. Riêng ở Việt Nam theo số liệu thống kê của Bảo tàng Hồ Chí Minh Trung ương có tới 685 di tích và địa điểm di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở 35 tỉnh và thành phố, trong đó có 39 di tích đã được Nhà nước công nhận. Các di tích lưu niệm Người phần lớn thuộc thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc sau năm 1954. Còn miền Nam do hoàn cảnh lịch sử chia cắt, thời gian quá xa, lại bị chiến tranh kéo dài, cộng với sự khắc nghiệt của thiên nhiên nên các di tích về Người còn lại rất ít.

Cũng không vượt ra ngoài bối cảnh chung đó, nhưng Thừa Thiên Huế rất may mắn và vinh dự đón nhận Chủ tịch Hồ Chí Minh và gia đình Người sinh sống, lao động và học tập trong khoảng 10 năm, tương đương với thời gian Người sống ở quê nhà Nghệ An, chỉ kém thời gian Người sống ở Thủ đô Hà Nội[1]. Chính vì vậy, mà nơi đây còn lưu giữ được khá nhiều di tích, địa điểm di tích liên quan trực tiếp đến Người và gia đình. Hiện nay, ở Thừa Thiên Huế có khoảng 20 di tích, địa điểm di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và gia đình Người. So với hệ thống di tích và địa điểm di tích của Người trên toàn quốc đó là một điều đáng ghi nhận, là niềm tự hào của người dân xứ Huế.

1. Vài nét về hệ thống di tích và địa điểm di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Thừa Thiên Huế

Thông qua kết quả khảo sát, thống kê của Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế, chúng tôi thấy rằng các di tích và địa điểm di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và gia đình Người ở Huế còn lại khá phong phú, khoảng 20 di tích và địa điểm di tích. Trong đó:

- Chín di tích và địa điểm di tích được xếp hạng: 04 di tích cấp Quốc gia (Nhà lưu niệm 112 Mai Thúc Loan; Nhà lưu niệm làng Dương Nỗ, Đình làng Dương Nỗ và Trường Quốc Học - Huế) và 05 di tích cấp Tỉnh (Bến Đá, Am Bà, Trường Tiểu học Pháp - Việt Đông Ba, Tòa Khâm sứ Trung kỳ và Địa điểm mai táng bà Hoàng Thị Loan - Thân mẫu của Chủ tịch Hồ Chí Minh);

- Năm di tích được bảo tồn tương đối nguyên vẹn: Nhà lưu niệm 112 Mai Thúc Loan, Nhà lưu niệm làng Dương Nỗ, Đình làng Dương Nỗ, Bến Đá và Am Bà. Trong đó có 2 di tích là nhà rường truyền thống Huế (Nhà lưu niệm 112 Mai Thúc Loan và Nhà lưu niệm làng Dương Nỗ); 2 di tích có kiến trúc đình, miếu dân gian (Đình làng Dương Nỗ, Am Bà), là những công trình văn hóa, nghệ thuật truyền thống tiêu biểu chứa đựng giá trị lịch sử, văn hóa đặc sắc.

- Một di tích kiến trúc đã thay đổi: Di tích trường Quốc Học Huế, hiện nay không còn những dãy nhà tranh như ngày xưa Chủ tịch Hồ Chí Minh đã học, thay vào đó là lối kiến trúc của Pháp. Tuy nhiên khuôn viên trường vẫn vậy, bức Bình phong Long mã vẫn còn nguyên mẫu cũ. Trong phòng truyền thống của trường còn giữ chiếc chuông và tấm bảng tên trường có từ ngày thành lập trường, tồn tại trong quá trình mà Người theo học. Đặc biệt tinh thần hiếu học, cái nôi đào tạo những nhà cách mạng lỗi lạc, những nhân tài cho dân tộc đã trở thành một truyền thống quý báu của trường. Năm 1990, nhân dịp kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế và trường Quốc Học đã xây dựng tượng Nguyễn Tất Thành (Chủ tịch Hồ Chí Minh) ngay vị trí trung tâm của trường, để tưởng nhớ đến người học trò kiệt xuất. Hiện nay, Trường Quốc Học là di tích có tính đặc thù bởi lẽ đây là di tích do ngành giáo dục trực tiếp sử dụng. Vì thế công tác bảo tồn, tôn tạo và sử dụng di tích này nên có sự phối hợp, để một mặt đảm bảo tốt mục đích bảo tồn, phát huy di tích, mặt khác phải đảm bảo yêu cầu của một trường học có danh tiếng;

- Bốn địa điểm di tích: Địa điểm di tích gian nhà trong dãy “Thuộc viên”; địa điểm di tích Trường tiểu học Pháp - Việt Đông Ba và địa điểm di tích Tòa Khâm sứ Trung kỳ. Cũng như các ngôi nhà khác trong dãy “Thuộc viên”, gian nhà số 19 nơi gia đình Chủ tịch Hồ Chí Minh sinh sống trong thời gian (1906 - 1909), đã không còn. Hiện nay, địa chỉ của gian nhà này là số nhà 47 Mai Thúc Loan, thành phố Huế đang thuộc quyền sở hữu của tư nhân. Trường Tiểu học Pháp - Việt Đông Ba, nơi Người đã từng theo học những năm 1906 - 1908, hiện nay cũng không còn, nên UBND thành phố Huế, Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế đã chỉnh trang, quy hoạch địa điểm từng tồn tại ngôi trường này thành công viên văn hóa khang trang, đồng thời cho dựng bia tưởng niệm tại đây. Tòa Khâm Sứ Trung kỳ nay cũng không còn nữa. Để ghi lại dấu ấn sự kiện lịch sử quan trọng trong phong trào chống thuế của nhân dân Thừa Thiên Huế tháng 4 năm 1908 mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tham gia, Bảo tàng Hồ Chí Minh đã cho xây dựng biểu tượng lịch sử trước cổng của Tòa Khâm Sứ Trung kỳ xưa nay là trường Đại học Sư phạm Huế. Địa điểm mai táng bà Hoàng Thị Loan (thân mẫu Chủ tịch Hồ Chí Minh) tại núi Bân, phường An Tây, thành phố Huế. Đây là nơi mai táng tho hài bà Hoàng Thị Loan từ năm 1901 – 1922, để tưởng nhớ người mẹ đã có công sinh thành Chủ tịch Hồ Chí Minh, tại vị trí huyệt mộ cũ bảo tàng Hồ Chí Minh đã xây dựng Nhà bia tưởng niệm, công trình được thường xuyên tu bổ, tôn tạo khang trang.

Nhìn chung, hệ thống di tích, địa điểm di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Thừa Thiên Huế trải qua thời gian tồn tại khá dài hơn một thế kỷ, lại chịu ảnh hưởng nặng nề của chiến tranh với bao thăng trầm biến thiên của lịch sử, cộng với thiên nhiên khắc nghiệt - thiên tai bão lũ… làm cho các di tích bị mai một, hiện vật thất lạc. Đồng thời “Các di tích và địa điểm di tích không tập trung, mà nằm rải rác, xen kẽ trong khu dân cư, công sở, trường học... trong thành phố và vùng ngoại ô. Điều này gây khó khăn cho việc gìn giữ, bảo quản, nhưng đổi lại rất thuận lợi cho việc “xã hội hóa” di tích”[2]. Chính vì vậy, cần có những giải pháp bảo tồn hiệu quả thiết thực, hợp lý và mang tính khoa học, để bảo vệ hệ thống di sản vô giá mà Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại cho Thừa Thiên Huế.

2. Những giải pháp bảo tồn hệ thống di tích và địa điểm di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Thừa Thiên Huế trong giai đoạn hiện nay

2.1. Bảo quản và tu bổ di tích

Bảo quản di tích là “hoạt động nhằm phòng ngừa và hạn chế những nguy cơ làm hư hỏng mà không làm thay đổi những yếu tố nguyên gốc vốn có của di tích”[3]. Còn tu bổ di tích là “hoạt động nhằm tu sửa, gia cố, tôn tạo di tích”[4].

Trên cơ sở đó hệ thống di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Thừa Thiên Huế cần được bảo quản và tu bổ đúng nguyên tắc, công việc đó phải được thực hiện thường xuyên và liên tục. Bởi vì xứ Huế là vùng thiên nhiên khắc nghiệt, hàng năm thường chịu nhiều trận bão, lũ lớn, cộng với các di tích được xây dựng bởi vật liệu không bền vững… nên dễ bị ảnh hưởng và xuống cấp. Vì vậy, để đảm bảo tuổi thọ cho các di tích cần chú trọng công tác bảo vệ và tu bổ, đặc biệt những vùng có địa hình thấp như cụm di tích ở làng Dương Nỗ.

Đồng thời, thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát nhằm kịp thời ngăn chặn, điều chỉnh các hành vi xâm phạm di tích cũng như làm biến dạng di tích của tổ chức hay cá nhân.

Mặt khác, phần lớn các di tích làm bằng gỗ, tranh tre nên cần quan tâm đến công tác chống mối mọt và chống cháy nổ, nhất là di tích Nhà lưu niệm 112 Mai Thúc Loan và Nhà lưu niệm Dương Nỗ.

Hơn nữa, kiến trúc theo lối văn hóa truyền thống là một nét tiểu biểu trong hệ thống di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Thừa Thiên Huế. Cho nên, trong quá trình tu bổ, tôn tạo di tích cần chú ý, quan tâm đến điều này, vì chính những công trình kiến trúc đó càng làm tăng giá trị lịch sử - văn hóa cho hệ thống di tích lưu niệm của Người tại đây.

2.2. Phục hồi di tích

Phục hồi di tích là “hoạt động nhằm phục dựng lại di tích đã bị hủy hoại trên cơ sở các cứ liệu khoa học về di tích”[5]. Như thực trạng đã nêu, trong hệ thống di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Thừa Thiên Huế có 4 địa điểm di tích. Trong số đó có di tích có thể phục hồi là gian nhà trong dãy “Thuộc viên”. Do đó cần tiến hành lập hồ sơ khoa học đề nghị Nhà nước công nhận xếp hạng di tích, đồng thời lên kế hoạch, định hướng cụ thể để đề xuất hướng phục hồi lại hiện trạng di tích, bởi đây là di tích có ý nghĩa quan trọng trong thời gian Người và gia đình ở Huế lần hai (năm 1906 - 1909); đồng thời, cũng là một di tích trong quần thể di tích Cố đô Huế.


Trùng tu di tích Am Bà. 2008


2.3. Lập hồ sơ khoa học đề nghị xếp hạng di tích và địa điểm di tích

Để tạo điều kiện thuận lợi cho công tác bảo tồn, tôn tạo và khẳng định giá trị của di tích việc cần thiết là phải lập hồ sơ khoa học đề nghị xếp hạng các di tích. Một thực tế cho thấy các di tích được xếp hạng thì ý thức, trách nhiệm của người dân trong việc bảo vệ, gìn giữ di tích được nâng cao hơn. Công tác xã hội hóa di tích được đảm bảo tốt và hiệu quả hơn. Hiện nay, trong hệ thống di tích và địa điểm di tích lưu niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Huế đã có 09 di tích và địa điểm di tích được công nhận là di tích cấp Quốc gia và cấp Tỉnh, chiếm tỷ lệ khá cao. Một số di tích còn lại chưa xếp hạng cần được lập hồ sơ để đề nghị xếp hạng như: Địa điểm gian nhà trong dãy “Thuộc viên”... Đặc biệt là gian nhà trong “Thuộc viên” khi được xếp hạng sẽ thuận lợi cho công tác phục hồi.

Hơn nữa, hiện nay trong hệ thống di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Thừa Thiên Huế chưa có di tích nào được xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt. Theo điều 29 Luật di sản văn hóa: “Di sản quốc gia đặc biệt là di tích có giá trị đặc biệt tiêu biểu của quốc gia, bao gồm: Công trình xây dựng, địa điểm gắn với sự kiện đánh dấu bước chuyển biến đặc biệt quan trọng của lịch sử dân tộc hoặc gắn với anh hùng dân tộc, danh nhân tiêu biểu có ảnh hưởng to lớn đối với tiến trình lịch sử dân tộc…”[6]. Với tiêu chí như trên, trong hệ thống di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Thừa Thiên Huế chắc chắn sẽ có di tích quốc gia đặc biệt. Vì vậy, chúng ta cần tổ chức chọn lựa trong số những di tích cấp quốc gia, bổ sung hoàn thiện hồ sơ khoa học, pháp lý, đề nghị xếp hạng. Từ đó nâng cao được vị thế và tầm quan trọng của di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Thừa Thiên Huế, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho công tác bảo tồn, tôn tạo di tích.

2.4. Sưu tầm, bổ sung tư liệu và hiện vật

Sưu tầm, bổ sung tư liệu và hiện vật là một nhiệm vụ quan trọng của hệ thống Bảo tàng nói chung và di tích nói riêng. Di tích có giá trị khi là nguyên bản và đi liền với các hiện vật gốc. Bởi vậy, công tác sưu tầm cần có một định hướng cụ thể, liên tục và thường xuyên, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm trong hoạt động chuyên môn nghiệp vụ của Bảo tàng và sự sống còn của di tích.

Cần có sự phối kết hợp trong công tác sưu tầm với chính quyền địa phương và các đoàn thể cơ quan, trường học, phát động những đợt sưu tầm lớn huy động nguồn lực từ nhân dân. Bên cạnh đó, cần tổ chức long trọng các buổi lễ tiếp nhận hiện vật do các đơn vị, cá nhân đến trao tặng; đồng thời, có những khen thưởng kịp thời và xứng đáng đối với tổ chức, cá nhân hiến tặng.

2.5. Xây dựng đội ngũ cán bộ có năng lực chuyên môn và có tâm huyết

Yếu tố con người đóng một vai trò quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa nói chung và di sản văn hóa Hồ Chí Minh nói riêng. Đặc biệt là những người trực tiếp làm công việc này, họ cần phải có năng lực chuyên môn nghiệp vụ giỏi. Chính vì vậy, Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế - cơ quan quản lý trực tiếp hệ thống di sản văn hóa Chủ tịch Hồ Chí Minh trên địa bàn, cần phải có chính sách đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn thường xuyên cho đội ngũ cán bộ viên chức, đặc biệt là những cán bộ trẻ, để không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Đồng thời, phải tăng cường giao lưu và quan hệ mật thiết với các đơn vị trong hệ thống Bảo tàng Hồ Chí Minh trên toàn quốc. Qua đó, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm về công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản Hồ Chí Minh. Đây là công việc không thể xem nhẹ, vì qua những cuộc tọa đàm trao đổi giữa các đơn vị sẽ bổ sung cho nhau về nhiều mặt và từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho việc nâng cao công tác chuyên môn nghiệp vụ của từng đơn vị.

Mặt khác, để đảm bảo cho đội ngũ cán bộ làm việc trong ngành Bảo tàng nói chung và Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế nói riêng, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch cùng với Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế cần có những chính sách hỗ trợ nhằm cải thiện đời sống cho cán bộ Bảo tàng. Để từ đó họ yên tâm công tác, cống hiến khả năng, trí tuệ và tâm huyết với nghề nghiệp mà mình đã lựa chọn.

2.6. Công tác tuyên truyền giáo dục

Công tác giáo dục tuyên truyền là một việc làm hết sức quan trọng và cần thiết trong bảo tồn di sản văn hóa nói chung và di sản Hồ Chí Minh nói riêng. Bởi thông qua việc tuyên truyền giáo dục sẽ nâng cao được ý thức trách nhiệm của mọi người đối với di sản, xem đây là tài sản chung của quốc gia, dân tộc và một bộ phận của di sản văn hóa nhân loại, cần được bảo vệ.

Trước hết, phải thường xuyên tuyên truyền, phổ biến nội dung Luật di sản và các văn bản pháp quy khác trong việc bảo vệ di tích. Thông qua các phương tiện đại chúng, qua các buổi sinh hoạt văn hóa trong các cơ quan đơn vị và địa phương, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu, đặc biệt, tổ chức các hoạt động sinh hoạt ngoại khóa, tìm hiểu khám phá ngay tại di tích cho các em học sinh và mọi tầng lớp nhân dân… Từ đó phát huy giá trị của di tích và nâng cao hiểu biết, ý thức bảo vệ di tích cho mọi người.

Đồng thời, cần đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân về thời gian 10 năm Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng gia đình sống ở Huế, để thấy được tầm quan trọng và ý nghĩa của hệ thống di tích trong thân thế - sự nghiệp của Người, khơi dậy niềm tự hào và ý thức trách nhiệm của mọi người đối với di sản mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho Đảng bộ và nhân dân Thừa Thiên Huế.

3. Kết luận

Trong giai đoạn hiện nay khi mà ý thức xã hội trong việc bảo tồn di sản văn hóa của ông cha còn hạn chế, các giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống của dân tộc đang bị xói mòn, xâm hại thì công tác bảo tồn là việc làm sống còn đối với các di tích. Vì vậy, thực hiện tốt nhiệm vụ này đòi hỏi phải có sự cố gắng nỗ lực không chỉ của đơn vị trực tiếp quản lý mà còn có sự quan tâm, hỗ trợ của các cơ quan, ban ngành liên quan và một phần không nhỏ ý thức của người dân; đồng thời, cần có những giải pháp khoa học, thiết thực, phù hợp với thực tế đặc điểm của từng di tích. Trong 35 năm qua, với sự nỗ lực không ngừng, Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế đã thực tốt công tác này. Kế thừa và phát huy những thành quả đạt được, thiết nghĩ trong thời gian tới đơn vị cần chú trọng hơn nữa công tác bảo tồn di sản vô giá mà Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại cho Thừa Thiên Huế. Làm cho hệ thống di tích lưu niệm về Người luôn xứng đáng đóng vai trò quan trọng trong hệ thống di sản của Người trên toàn quốc. Để rồi, khi tìm hiểu về cuộc đời, thân thế và sự nghiệp Chủ tịch Hồ Chí Minh, đặc biệt là thời niên thiếu của Người, chúng ta không thể không tìm đến Thừa Thiên Huế. Những di sản mà Người để lại nơi đây là gạch liền nối trọn cuộc đời 79 mùa xuân của một Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa kiệt xuất.

ThS. Lê Văn Hà (Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế)

[1] Chủ tịch Hồ Chí Minh sống ở Hà Nội gần 15 năm.

[2] Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế (2013), Di tích - địa điểm di tích lưu niệm Bác Hồ và gia đình Người  ở Thừa Thiên Huế, Nxb Thuận Hóa, Huế, tr. 11.

[3] Luật di sản văn hóa năm 2001 (2010), Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tr. 34.

[4] Luật di sản văn hóa năm 2001 (2010), Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tr. 34.

[5] [5] Luật di sản văn hóa năm 2001 (2010), Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tr. 34 - 35.

[6] Luật di sản văn hóa năm 2001 (2010), Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tr. 47 - 48